Sáng 18-9, Sở VH&TT TP.HCM phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức toạ đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP.HCM" tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Toạ đàm được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, đề xuất phương hướng, giải pháp để giữ gìn bộ môn cải lương tuồng cổ.
Cải lương tuồng cổ kế thừa vũ đạo hát bội
Là thế hệ con cháu đời thứ 5 của gia tộc Minh Tơ, NSND Quế Trân cho biết bản thân đã được ba – NSND Thanh Tòng nhắc lại quá trình rất gian nan để có được loại hình cải lương tuồng cổ.
Theo NSND Quế Trân, từ năm 1975, đoàn Minh Tơ thời bấy giờ rất khó khăn. Trong khó khăn bế tắc đó, tập thể đoàn Minh Tơ cùng họp lại để tìm hướng đi mới và hướng đi đó chính là Việt hóa.
"Ba tôi đã sử dụng chất liệu Việt hoàn toàn cho các vở tuồng cổ lịch sử Việt Nam trong đó có Câu thơ yên ngựa" – NSND Quế Trân cho hay.
NSND Quế trân nhìn nhận, sự hấp dẫn của cải lương tuồng cổ là việc chứng mình cải lương tuồng cổ kế thừa từ vũ đạo hát bội của dân tộc, âm nhạc của người nghệ sĩ Việt Nam sáng tác, từ nhạc múa, nhạc diễn nhạc, cổ kim hoà điệu trong các bài lý và đờn ca tài tử cải lương….
"Ví dụ trong Câu thơ yên ngựa, đoạn lý đạo thành xử án Thượng Dương chúng ta có bài Lý cây bông thì khi ba tôi viết bài hát này thì mọi người nghĩ không phù hợp trong tình huống quyết liệt để ra thi hành án, đại án lúc bấy giờ.
Người ta nghĩ nếu đơn thuần cải lương mà chúng ta sử dụng nhạc dân ca Nam Bộ Lý cây bông sẽ không hấp dẫn, không phù hợp thì khi ba tôi viết trong vai trò người dàn dựng ba tôi đã hình dung được phải dựng như thế nào, kết hợp với âm nhạc ra sao để nó thuyết phục...
NSND Quế Trân cũng nhìn nhận đối với một loại hình thu hút không chỉ có kịch bản lịch sử Việt Nam chúng ta có âm nhạc Việt Nam, bài bản cổ cải lương tài tử… diễn xuất, âm nhạc phục trang đã làm nên sức hút cho cải lương tuồng cổ.
Báo động tình trạng bóp méo lịch sử
Tại toạ đàm, đạo diễn, NSUT Lê Nguyên Đạt chỉ ra thực trạng hiện nay TP.HCM số lượng sáng tạo cho nghệ thuật cải lương tuồng cổ như nhạc sĩ, nhạc công, đạo diễn, tác giả không quá một bàn tay.
"Và điều tôi cần báo động là có một số tác giả trẻ, ngay trong hệ thống nhà trường bắt đầu có quan niệm thay đổi lịch sử, làm theo cách nhìn của mình để bóp méo đi. Đây là một thực trạng mà tôi cho rằng cấp thiết" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng chỉ ra hầu hết học sinh hiện nay không biết nhiều về nhân vật lịch sử và gần như các bạn xa lạ với cải lương, khoảng trên 50% chưa từng đến nhà hát xem cải lương.
“Như vậy, chúng ta thấy rằng đó là yếu tố báo động nhiều hơn cho chữ cải lương nói chung và nói về tuồng cổ, hồ quảng" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhấn mạnh.
Nói về giải pháp, trước nhiều ý kiến đề cập mở các lớp tập huấn đạo diễn Lê Nguyên Đạt đề nghị cần đào tạo mang tính chuyên sâu và mang tính đặt hàng, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc dàn dựng tuồng sử Việt.
Tham dự toạ đàm, NSND Thanh Thuý ghi nhận các ý kiến và cho biết tọa đàm đã có tiếng nói chung thống nhất rất cao, đó là đặt ra việc tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua loại hình cải lương tuồng cổ, cải lương tuồng sử như thế nào.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng đặt ra vấn đề tiếp nối, đồng hành với văn nghệ sĩ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và giao thoa văn hóa đầy sôi động.
NSND Thanh Thuý cho biết trong các kỳ Liên hoan sân khấu TP.HCM sẽ có một bảng chấm riêng cho đề tài sử Việt và sẽ khuyến khích bằng chính chính sách, bằng những quy định cho các đoàn đầu tư dựng sử Việt.
HĐND TP trong tháng 9 sẽ ban hành nghị quyết, trong đó liên quan đến vấn đề miễn thuế 5 năm đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực.
"Đây cũng là một trong những cơ chế, chính sách mà nó sẽ giúp cho các doanh nghiệp được hỗ trợ vốn, được hỗ trợ về mặt thuế và một số các cái nội dung khác để chúng ta có thể khuyến khích sức sáng tạo" - NSND Thanh Thúy nói.
Sở VH&TT TP.HCM sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy quảng bá các tác phẩm trên lĩnh vực sân khấu đoạt giải quốc tế, trong nước và TP.HCM…
Ngoài ra Sở VH&TT ký một kế hoạch liên tịch với Sở GD&ĐT trong việc là mở rộng nội dung chương trình sân khấu học đường.