Sáng 27-9, Hội sân khấu TP.HCM đã tổ chức buổi toạ đàm "Vai trò của cải lương tuồng cổ từ 1975 đến nay" tại trụ sở của Hội (5B Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM)
Đoàn Minh Tơ trăn trở với cải lương tuồng cổ
Tại buổi tọa đàm, nghệ sĩ Bạch Long cho biết bản thân kế thừa bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ từ dòng họ Vĩnh Xuân Bầu Thắng.
Theo NS Bạch Long, cải lương ban đầu có hai trường phái là hát hiện đại (NSND Năm Châu) và hát tuồng cổ theo kiểu của… Tàu (NSND Phùng Há). Trong giai đoạn đó, khán giả không còn yêu mến hát bội nên đoàn Minh Tơ sang thọ giáo má Bảy Phùng Há.
"Ban đầu không phải là cải lương tuồng cổ mà gọi là cải lương tuồng Tàu. Thời đó, đã có ý kiến phê bình và đề nghị bỏ chữ 'tuồng Tàu' vì những vở như Trọng Thuỷ Mị Châu, Phạm Công Cúc Hoa… là lịch sử Việt Nam mà gọi hát tuồng Tàu thì có gì đó sai sai.
Sau đó, đoàn Minh Tơ sửa lại là cải lương Hồ Quảng. Tuy nhiên sau 1975 , lãnh đạo sở Văn hóa và Thông tin đề nghị đoàn Minh Tơ bỏ chữ Hồ Quảng vì hát tuồng Việt Nam mà để chữ Hồ Quảng thì lại càng sai.
Đoàn họp lại và nhờ chú Năm Triều, Hội sân khấu TP đổi thành cải lương tuồng cổ bởi chữ "tuồng cổ" rộng hơn "Hồ Quảng". Và thật sự tôi cũng thích chữ "Tuồng cổ" hơn vì Hồ Quảng nó đặc trưng về âm nhạc và không thể hát tuồng lịch sử của các nước khác được" – NS Bạch Long cho hay.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Bạch Long cũng cảm thấy biết ơn cố NSND Thanh Tòng và cố soạn giả, nghệ sĩ Đức Phú vì đã hình thành một loại hình âm nhạc riêng biệt cho tuồng cổ Việt Nam.
"Khi Sở VH&TT đề nghị đoàn Minh Tơ không diễn tuồng tàu nữa mà diễn tuồng lịch sử Việt Nam, đoàn Minh Tơ bị hạn chế vì các nghệ sĩ của đoàn ca không hay. Lúc đó đoàn bị ế vì khán giả không thích loại hình Minh Tơ đứng một chỗ hát.
Lúc này, NSND Thanh Tòng tìm cách cứu vãn đoàn và quyết định thử vở Bùi Thị Xuân và cho Bạch Lê múa vũ đạo đi ngựa. Tức là lấy những vũ đạo bên hát bội đem vào bằng hình thức âm nhạc của Đức Phú. Nếu như ngày xưa bên tuồng cổ múa bằng trống phách còn bây giờ sẽ dùng âm nhạc Đồ, rê, mi pha, sol…. của nghệ sĩ Đức Phú.
Âm nhạc Việt Nam để vào cải lương tuồng cổ bằng hình thức vũ đạo hát bội đã đưa khán giả trở về với Minh Tơ, Huỳnh Long qua Câu thơ yên ngựa, Lý Thường Kiệt…Sau đó, NSND Thanh Tòng đề nghị với NS Đức Phú sử dụng hoàn toàn bằng âm nhạc Việt Nam" – NS Bạch Long nhớ lại.
Nhưng NS Bạch Long cũng cho rằng đoàn Minh Tơ "có công lại thành có tội" vì hình thành một thể loại âm nhạc dành cho tuồng cổ Việt Nam nhưng lại mang thể loại âm nhạc này vào tuồng Tàu như Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài…
"Đến giờ nói đó là âm nhạc Việt Nam lại không ai tin. Chẳng hạn vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài thập niên 60, NS Đức Phú lấy tuồng đó viết thành cải lương Việt Nam. Một nửa là nhạc của Đức Phú một nửa là của Đài Loan. Khán giả xem và khen bài đó hay quá cứ nói là nhạc Tàu nhưng thực ra là giai điệu Bolero của NS Đức Phú viết" - NS Bạch Long nói.
Cải lương tuồng cổ "đã chết" từ lâu
Nghệ sĩ Bạch Long cũng khẳng định cải lương tuồng cổ thực sự đã chết từ năm 1972. Những bộ phim Hồng Kông nổi lên … dập các đoàn te tua. Thời điểm đó, Đoàn Hùng Cường – Bạch Tuyết ở rạp Quốc Thanh, Kim Cương 1 và 2 phải về tỉnh hát. Bầu Thắng Minh Tơ phải đi mượn nợ để nấu cháo cho nghệ sĩ ăn.
"Năm 1986-1987, đoàn Minh Tơ diễn tại rạp Lao động thấy khán giả xếp hàng tôi mừng lắm, tưởng họ mua vé cho đoàn Minh Tơ nhưng không ngờ họ xếp hàng mua vé cho phim Xóm vắng… Đau lắm!
Chúng tôi cũng tự giết chính mình bằng cách làm video cải lương. Hồi đó tôi hay đùa với trung tâm Phượng Hoàng. Họ làm phim Dương Thuý Kiều rồi đem ra hải ngoại bán, bắt đầu hải ngoại đặt các hãng đĩa ở Việt Nam làm video và hoàn toàn bằng tuồng Tàu.
Thật sự, mướn một cuộn băng trong đó có Minh Vương, Lệ Thuỷ, Vũ Linh, Tài Linh… hài thì có Bảo Quốc, Bảo Chung… thì có thể xem liên tục hay ngắt ngang hôm sau xem tiếp, rõ ràng cải lương tuồng cổ chết thôi" – NS Bạch Long đau xót.
Vì vậy, nam nghệ sĩ bày tỏ sự ngạc nhiên vì có buổi toạ đàm nói về bộ môn nghệ thuật này. "Mọi người đừng thấy chúng tôi hát, khán giả đông là cải lương sống. Tôi đi hát Chầu khi ra trụ bộ nhìn xuống chỉ vài khán giả trong khi ngày xưa nó rần rần… hai bên cánh gà khán giả chật kín.
Chúng tôi là những người yêu nghề, chúng tôi ráng làm ráng thổi lửa cho cải lương thôi. May mắn là vẫn còn cúng đình nên cải lương tuồng cổ còn chỗ để sống chứ mất luôn là chúng tôi bỏ nghề", NS Bạch Long nghẹn ngào.
"Lòng yêu nghề của dòng họ tôi là muốn giữ lửa cho cải lương sống lại chứ quý vị đừng có thấy bán vé vậy mà tưởng là đông… Nói mà đau lắm, nó đã chết rồi và chúng tôi cố gắng thổi lửa cho nó sống lại thôi
Với góc độ tham mưu thì việc đào sâu, bàn thảo các vấn đề này rất là cần thiết. Sắp tới đây chắc chắn Sở VHTT-DL sẽ phối hợp với Hội để nghiên cứu sâu hơn vấn đề bảo tồn và phát huy ra sao. Vừa áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, vừa tạo điều kiện cho nghệ thuật truyền thống phát triển.
Vừa qua Sở đã trình HĐND TP về chi và mức chi cho các cuộc thi, liên hoan rong đó có liên hoan sân khấu.
Sở cũng đang chuẩn bị trình UBND TP tham mưu cho HĐND ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, động viên cho văn nghệ sĩ đạt giải thưởng nhà nước, danh hiệu. Ngoài ra Sở cũng đang làm đề án phát huy nguồn lực xã hội hoá.
Chúng ta có khó khăn nhưng không bao giờ dừng lại và luôn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, trưởng phòng quản lý nghệ thuật của Sở VH&TT TP.HCM