Hiện cả nước có 113 trạm thu phí với 575 làn thu phí không dừng (ETC), trong đó có 63 trạm lắp đặt 100% làn ETC. Tuy nhiên, có nhiều dự án chưa triển khai một làn ETC nào hoặc số làn ETC rất hạn chế.
VEC triển khai ETC rất chậm
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác năm dự án đường cao tốc. Đó là các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10-6-2020.
Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay nhiều tuyến cao tốc chưa đầu tư ETC theo chuẩn thống nhất của cả nước. Điều này chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, thiếu tính đồng bộ nên người dân lắp đặt chưa cao. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần sớm triển khai đồng bộ, tạo sự nhất quán cho người dân.
Đ.TRANG
Riêng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, từ năm 2017, VEC đã đưa hệ thống ETC bằng công nghệ DSRC (thông tin liên lạc tầm ngắn chuyên dụng; sử dụng OBU-On Board Unit gắn trên phương tiện, tài khoản lưu trong thẻ IC) vào vận hành, với tám làn ETC tại ba trạm thu phí trên toàn tuyến. Đến năm 2020, Thủ tướng ban hành quyết định về việc thu phí ETC. Theo đó, tất cả trạm thu phí cả nước sử dụng đồng nhất công nghệ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến; sử dụng thẻ Etag dán trên kính lái hoặc đèn trước của xe; tài khoản của khách hàng được lưu tại trung tâm thanh toán).
Vì vậy, thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số phương tiện dù đã dán thẻ ETC sử dụng công nghệ RFID, khi qua trạm thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng vẫn phải thanh toán phí bằng tiền mặt.
“Xe của tôi đã dán thẻ Etag nhưng khi qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn phải trả tiền mặt. Nhân viên thu phí lý giải nếu muốn thanh toán không dừng phải mua thiết bị và thẻ của cao tốc. Tôi thấy rất vô lý và phiền hà nếu phải dán hai thẻ. Tôi rất mong Nhà nước sớm đồng bộ hệ thống ETC” - anh Thái Lộc, tài xế xe khách ở Xuân Lộc, Đồng Nai, kiến nghị.
Nguyên nhân VEC triển khai hệ thống ETC chậm trên các tuyến cao tốc từng được Bộ GTVT lý giải là do vướng mắc về vốn. Theo đó, ngày 17-6-2020, Thủ tướng có quyết định cho phép Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định tiến độ hoàn thành hệ thống ETC phù hợp với điều kiện nguồn vốn dự án... Đồng thời giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác định nguồn vốn triển khai hệ thống ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý.
Từ đó đến nay, VEC vẫn gặp rắc rối bởi các dự án do đơn vị quản lý không phải đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mà do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và thu phí hoàn vốn.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe tại khu vực trạm thu phí |
Sẽ đồng bộ hệ thống vào cuối tháng 8
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những vướng mắc trên, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC, khẳng định đơn vị đang tập trung tối đa nguồn lực, vật lực để triển khai dự án. Theo đó, đơn vị chọn phương án sử dụng kinh phí chi thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để triển khai lắp đặt hệ thống ETC.
Hiện VEC đã phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi nhà cung cấp dịch vụ ETC. “Chúng tôi dự kiến trong tháng 6 tới đây sẽ tìm được nhà cung cấp dịch vụ để lắp đặt vận hành hệ thống ETC…” - ông Quang cho hay.
Đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ông Quang cho rằng một số người dân dán thẻ Etag phải trả tiền mặt là do có sự khác nhau trong công nghệ. Vì vậy, tới đây VEC cần đầu tư mới hệ thống.
“Chúng tôi dự kiến giữa tháng 8 sẽ hoàn thành xong việc đầu tư hệ thống ETC mới trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Lúc đó sẽ đồng bộ với tất cả trạm BOT trên cả nước. Lái xe sẽ thuận tiện hơn khi qua trạm…” - lãnh đạo VEC cho hay.
Để đốc thúc VEC triển khai hệ thống ETC, đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng vừa có “tối hậu thư” cho VEC. Theo đó, đến ngày 30-6, VEC không đáp ứng tiến độ triển khai hệ thống ETC, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.•
Dừng thu phí các trạm BOT triển khai chậm hệ thống ETC
Tháng 11-2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các nhà đầu tư dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí khẩn trương lắp đặt ETC tại các làn thu phí còn lại, đảm bảo trong quý I-2022 mỗi trạm thu phí chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp (cả ETC và trả tiền mặt) trên mỗi chiều lưu thông.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đến tháng 6-2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ Etag để sử dụng ETC.
Hiện Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng lùi đến hạn chót là ngày 30-6-2022. Đồng thời có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ làm việc với từng địa phương, nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án lắp đặt các làn thu phí tự động còn lại tại tất cả trạm thu phí và hoàn thành trong tháng 6-2022. Đồng thời, bộ yêu cầu tổng cục rà soát quy định hợp đồng, quy định pháp luật kịp thời xem xét dừng thu phí đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý không hoàn thành đúng tiến độ lắp đặt hệ thống ETC.