Sáp nhập nhưng không có văn bản đổi tên phường, người dân gặp khó

Sáng ngày 3-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát tại UBND quận 4 về việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Đoàn công tác do ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM làm trưởng đoàn.

giam-sat-sap-nhap-phuong-q4

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM làm trưởng đoàn giám sát tại quận 4. Ảnh: LÊ THOA

Tại buổi làm việc, lãnh đạo của phường 2 mới (gồm phường 2 và phường 5 cũ) và phường 13 mới (gồm phường 12 và phường 13 cũ) đã chia sẻ một số khó khăn sau khi thực hiện sáp nhập phường.

Bà Nguyễn Thị Bảo Trinh, Chủ tịch UBND phường 13, cho biết sau khi sáp nhập phường 12 vào phường 13 thì phát sinh một số vấn đề về thủ tục hành chính (TTHC) của người dân.

Cụ thể, người dân ở phường 12 cũ khi cần làm thủ tục kết hôn, cần giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở quê nhưng đơn vị hành chính ở quê không nắm chủ trương sáp nhập, chỉ căn cứ vào sổ hộ khẩu, CMND nên giấy xác nhận lại ghi thông tin phường cũ là phường 12 thay vì phường mới là phường 13.

“Phường cũng linh động giải quyết hồ sơ cho dân, hướng dẫn người dân rồi nhưng người dân cứ suy nghĩ chính quyền làm khó, bắt về quê 2-3 lần để điều chỉnh nhưng do ở quê không điều chỉnh” – bà Trinh nêu.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch UBND phường 2, cho biết sau khi sáp nhập phường, người dân gặp khó khăn trong việc làm thủ tục, nhất là người dân ở phường 5 cũ. Tuy nhiên phường cũng tạo điều kiện giải thích, hướng dẫn cho người dân.

giam-sat-sap-nhap-phuong-q4

Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Nói rõ hơn về quá trình sáp nhập các phường trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến nhìn nhận, thực hiện chủ trương sáp nhập cơ quan hành chính theo các nghị quyết của QH, trên tinh thần chỉ đạo của TP.HCM, quận 4 đã triển khai đầy đủ nội dung, tiến hành thực hiện chủ trương sáp nhập.

Qua một năm thực hiện, ông Chiến cho rằng các nghị quyết đã mang lại hiệu quả lớn. Trong đó việc sắp xếp đã tiết kiệm được chi phí hành chính hơn 756 triệu đồng; ông Chiến cho biết địa phương sẽ tiếp tục phát huy việc này.

Bên cạnh đó, ngay từ khi tiến hành, quận 4 đã xác định việc sáp nhập sẽ tác động tới đời sống của người dân, việc đi lại, làm TTHC, an ninh trật tự.

Theo Chủ tịch UBND quận 4, trong giai đoạn đầu, khi lấy ý kiến cử tri về tên gọi của phường, đã có một vài luồng ý kiến không thống nhất vì ‘người phường này không muốn đổi tên sang phường khác’. Tuy nhiên sau khi tuyên truyền, giải thích đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Vừa qua, quận 4 cũng đã tố trí nhân sự đảm bảo giải quyết các vấn đề về TTHC, an ninh trật tự cho người dân. Quận đã lập tổ công tác do một phó chủ tịch quận trực tiếp đến các phường tiếp nhận các vướng mắc phát sinh; đồng thời lấy ý kiến các ngành dọc để giải quyết cho dân.

“Có nhiều người đặt vấn đề sao không có văn bản đổi tên từ phường này sang phường khác. Khi đăng kí kinh doanh, đóng tiền điện, nước vẫn đòi phải có cái gì chứng minh phường anh bây giờ là phường mới không, nhiều nơi vẫn đòi như thế” – ông Chiến chia sẻ và cho biết được sự hướng dẫn của cấp trên, lấy Nghị quyết 1111/2020 của QH là chủ trương cao nhất trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân.

Về nhân sự sau sáp nhập, ông Lê Văn Chiến cho rằng đây là vấn đề rất khó. Bởi giai đoạn này quận thực hiện cùng một lúc ba tác động lớn, đó là Nghị quyết 1111/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị định 34/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Do vậy, quận xác định công tác tư tưởng mang tính chất quyết định. “Ai bố trí ở đâu, ai nghỉ việc, quận đã làm cơ bản tốt việc này, không phát sinh khiếu nại, tố cáo nhưng có phát sinh vấn đề tư tưởng, được kịp thời xử lý tạo tâm lý thoải mái cho cán bộ” – ông Chiến nói và cho biết các trường hợp cán bộ dôi dư theo Nghị quyết 34/2019 sẽ được quận thực hiện từ đây đến cuối năm 2021.

giam-sat-sap-nhap-phuong-q4

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Trao đổi với quận 4, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận khi sáp nhập hai phường lại thì số lượng hồ sơ gần như tăng gấp đôi.

Theo ĐB Hạnh, nguyên tắc của việc giải quyết TTHC khi sáp nhập là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. “Việc sáp nhập là việc của cơ quan hành chính còn người dân phải được tạo điều kiện làm thủ tục. Trường hợp giấy xác nhận độc thân ghi phường 12 hay phường 13 thì cũng chấp nhận được” – ĐB Hạnh nói và cho biết không nên máy móc, Sở Tư pháp đang yêu cầu kiểm tra chuyện này.

Quận 4 giảm được 35 cán bộ

Ông Trần Đức Kiên, Trưởng phòng Nội vụ quận 4, cho biết vừa qua quận đã sáp nhập phường 2 vào phường 5 thành phường 2 mới và nhập phường 12 vào phường 13 thành phường 13 mới. Từ đó 15 phường ở quận 4, sau sắp xếp chỉ còn 13 phường.

Qua công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy, tổng số cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách (gọi chung là cán bộ) sau sắp xếp đã giảm 35 người Gồm: chuyển 2 cán bộ về quận, 2 công chức nghỉ việc, 21 người chuyển sang phường khác, 11 người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo Nghị định 34/2019. Hiện quận 4 còn 94 cán bộ.

Theo ông Kiên, tinh gọn đội ngũ cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách đã giảm chi ngân sách của địa phương với số tiền hơn 756 triệu đồng. 

TP.HCM phấn đấu tăng trưởng 6%-6,5% năm 2022
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng 6%-6,5% năm 2022
(PLO)- Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, chỉ tiêu phấn đấu này có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh; sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm