Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Trong đó, theo bộ này, tháng 9 tới đây cơ quan chức năng sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Mốc thời gian trên theo Bộ GTVT là chậm hơn dự kiến do phải chờ kết quả thẩm định dự án này của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Theo Bộ GTVT, từ năm 2005 đến nay đơn vị đã triển khai nhiều nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Năm 2009, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư, tuy nhiên chưa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2010.
|
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được phân kỳ đầu tư. Ảnh: Báo Đầu Tư |
Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT tiếp tục tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Năm 2021, Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả.
Sáng 10-8, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã đặt ra mục tiêu trình Quốc hội khóa XV thông qua dự án này.
Trước đó, Bộ GTVT đề xuất đầu tư hệ thống đường sắt Bắc – Nam theo hướng nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng, xây dựng một tuyến đường sắt mới chở khách, với tốc độ thiết kế 350 km/giờ.
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt Bắc – Nam mới là 1,35 triệu tỉ đồng (hơn 58,7 tỉ USD). Giai đoạn 1 dự án (dự kiến từ năm 2020 đến 2032) đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM với số vốn 567,2 nghìn tỉ đồng. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2032 đến 2050) đầu tư các đoạn còn lại với số tiền 783,1 nghìn tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành (năm 2050) dự án sẽ giúp người dân di chuyển từ Hà Nội đến TP.HCM mất 5 giờ 20 phút, với 91 đôi tàu/ngày đêm. Trong đó, nhu cầu điện tiêu thụ điện của dự án là 2,3 tỉ kWh.