Đến sáng 11-8, điểm sạt lở ở bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM bắt đầu được gia cố.
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, có nhiều cây dừa được tập kết để đóng cọc, hạn chế tình trạng sạt lở tiếp diễn.
Điểm sạt lở có diện tích lớn, gây nguy hiểm cho công trình đê bao sông Sài Gòn. Ảnh: TRUNG THANH
Người dân địa phương cho biết, tình trạng sạt lở đã xảy ra từ vài ngày trước, mỗi ngày một lan rộng. “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sạt lở với diện tích lớn như thế. Nguyên nhân chắc do vựa cát sát bên…” , một người dân sống gần điểm sạt lở nhận định.
Nhiều cây dừa được tập kết để đóng cọc gia cố vị trí sạt lở. Ảnh: TRUNG THANH
Theo xác định của Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi (đơn vị đang quản lý đê bao bờ hữu sông Sài Gòn), điểm sạt lở trên nằm phạm vi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTDV kinh doanh địa ốc Lan Anh. Công ty này có cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, do Sở GTVT TP cấp.
“Vụ sạt lở xảy ra vào lúc 22 giờ ngày 5-8, có kích thước dài 50m, rộng 25m. Vị trí sạt lở chỉ cách chân đê bao sông Sài Gòn khoảng 5m, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình đê bao bờ hữu sông Sài Gòn – Nam rạch Tra”, Công ty Quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi phản ánh trong công văn vừa gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM (Ban Chỉ huy PCTT &TKCN).
Dọc bờ sông Sài Gòn có nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng gây nguy hiểm cho bờ đê. Ảnh: TRUNG THANH
Công ty Quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi xác định nguyên nhân sạt lở là do có nhiều phương tiện cơ giới quá tải ra vào điểm kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty Lan Anh. Tình trạng này đã nhiều lần được lập biên bản và cảnh báo.
Bờ đê sông Sài Gòn đoan qua địa bàn quận 12 thường xuyên bị hư hỏng, lầy lội. Ảnh: TRUNG THANH
Do đó, Công ty quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi kiến nghị thường trực Ban Chỉ huy PCTT &TKCN chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý những vi phạm của Công ty Lan Anh. Trước mắt buộc phải ngưng hoạt động tập kết vật liệu để khắc phục sự cố, hạn chế ảnh hưởng đến đê bao sông Sài Gòn.
Cũng theo Công ty Quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi, hiện nay có rất nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng dọc bờ sông Sài Gòn gây lún sụt, hư hỏng bờ đê cần phải được kiểm tra, xử lý.