Sau Asiad là ‘chiến trường AFF Cup’ khốc liệt

Sau thành tích hạng tư Asiad 18, hàng triệu người hâm mộ Việt Nam (VN) đang có cái nhìn lạc quan về AFF Cup 2018 (khai mạc vào ngày 8-11). Nơi đó, thử thách dành cho thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ rất nghiệt ngã, bởi đó không còn là giải trẻ mà là cuộc chơi của các đội tuyển với nhau.

Trên hành trình tạo nên những cột mốc lịch sử cấp châu lục của hai đội bóng trẻ U-23 và Olympic, các đội VN liên tục gặp các đội trẻ Tây Á (Iraq, Qatar, Syria ở vòng chung kết U-23 châu Á) và Nepal, Pakistan, Bahrain, Syria, UAE (ở Asiad 18). những đội này thì cấp độ trẻ của họ chưa quái, chưa thực dụng, bên cạnh đó là “cái duyên” của bóng đá VN với các đội Tây Á tiếp tục phát huy bởi họ có vẻ xa lạ với bóng đá Đông Nam Á và VN nói chung… dễ thắng hơn.

Một thực tế khác là thành phần Olympic VN vừa đá Asiad 18 bổ sung vài cầu thủ nữa là thành đội tuyển quốc gia rồi (nếu có chỉ bổ sung Đinh Thanh Trung, Đặng Văn Lâm và có thể Quế Ngọc Hải).

Trong khi đó Thái Lan, Indonesia và Malaysia (những đối thủ rất căng của tuyển VN tại AFF Cup), ngoài ra còn có Philippines và Myanmar nữa thì thành phần Olympic của họ rất khác với đội tuyển quốc gia.

Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải bước vào AFF Cup ở cấp độ đội tuyển với nhiều khó khăn hơn. Ảnh: HUY PHẠM

Chẳng hạn như Thái Lan, đội U-23 dự Asiad này hầu như chẳng có gương mặt nào trong tuyển quốc gia sắp tới. Indonesia chỉ có vài cầu thủ trẻ trong đội hình Olympic được gọi vào tuyển quốc gia đá AFF Cup mà thôi và chưa chắc họ được ra sân đá chính.

HLV Tang Cheng Hoe của Malaysia cũng đã công bố đội hình dự tuyển chuẩn bị AFF Cup 2018, trong đó chỉ có sáu tuyển thủ Olympic dự Asiad 18.

Với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thì đội Olympic của họ có chất lượng rất khác so với đội tuyển quốc gia. còn VN thì sẽ không có sự khác biệt nhiều.

Nhìn lại lịch sử những lần các đội trẻ VN như U-19, U-23 VN có những thành tích tốt tại đấu trường châu lục nhưng về sân chơi Đông Nam Á thì không hẳn thế.

SEA Games 29, giữa lúc tràn ngập niềm tin vô địch thì bị “sụp hầm” ngay vòng bảng khi hòa Indonesia và thua Thái Lan 0-3.

Nhìn lại những kỳ AFF Cup gần đây, chúng ta đều thua hai đối thủ Malaysia và Indonesia. AFF Cup 2010 bị Malaysia loại ở bán kết, AFF Cup 2012 bị loại ngay sau vòng bảng, AFF Cup 2014 và 2016 lại bị lần lượt Malaysia và Indonesia loại ở bán kết. Và chính những đối thủ loại tuyển VN vào chung kết đều gặp Thái Lan, trong đó năm 2010 Malaysia vô địch, còn năm 2014 và năm 2016 thì Thái Lan vô địch.

Người hâm mộ thấy thành tích U-23 VN ở Thường Châu (Trung Quốc) đầu năm nay, rồi nhìn Olympic VN tại Asiad 18 này chỉ VN là đại diện duy nhất Đông Nam Á vào tứ kết, rồi bán kết đã vội khẳng định bóng đá VN đã “làm trùm” Đông Nam Á, rồi lạc quan như kiểu chiếc cúp vàng AFF Cup 2018 gần như thuộc về chúng ta. Thực tế cần phân biệt giữa bóng đá trẻ và cấp đội tuyển quốc gia sẽ có sự chênh lệch rất lớn mà ta thì đang sử dụng kiểu “2 trong 1” .

Mừng với phần vượt ngưỡng của bóng đá trẻ với cấp độ U-23 và Olympic dưới bàn tay chăm sóc của HLV Park Hang-seo và cũng cần biết chỗ đứng cũng như giới hạn của họ để bóng đá VN khắc phục và phát huy.

Đặc biệt hơn là sau khi ở cấp độ U-23 châu Á và Olympic, bóng đá VN đạt những thành tựu nhất định thì chắc chắn sẽ được các đối thủ e ngại và nghiên cứu kỹ các bài vở, mảng miếng… Thế nên sẽ là một thách thức lớn mà thầy trò HLV Park Hang-seo phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm