Sau Biển Đông, Trung Quốc lăm le Ấn Độ Dương

Bên cạnh Biển Đông, Ấn Độ Dương cũng đóng vai trò chiến lược trong tầm nhìn của Trung Quốc (TQ) khi khu vực này gần như là tuyến hàng hải chính giúp TQ giao thương và nhập khẩu dầu từ Trung Đông. Do đó, trong trường hợp ảnh hưởng TQ ở Ấn Độ Dương bị đe dọa thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để can thiệp.

Hiện Ấn Độ là cường quốc duy nhất hoạt động ở đây đủ sức thách thức TQ và những căng thẳng thời gian qua làm dấy lên lo ngại về một kịch bản diễn ra xung đột quân sự ở Ấn Độ Dương giữa hai quốc gia này.

Ấn Độ lên tiếng lo ngại

Hồi tháng 5, Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar có bài phát biểu nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương đang trở thành trọng tâm mới trên nhiều phương diện nên Ấn Độ cần có những kế hoạch tăng cường an ninh ở khu vực nhằm đảm bảo duy trì lâu dài các hoạt động truyền thống ở đây như đánh bắt hay khai thác tài nguyên, theo tờ South China Morning Post.

Ông Kumar cho rằng cần có thêm nguồn lực hải quân hoặc một số khả năng trên không để đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương trong bối cảnh TQ lăm le quân sự hóa vùng biển này.

“Khả năng TQ điều nhóm tàu sân bay lần đầu tiên đến Ấn Độ Dương chỉ là vấn đề thời gian trong bối cảnh hải quân nước này đang mở rộng một cách nhanh chóng. Một số chuyên gia cũng dự đoán hải quân TQ chắc chắn sẽ hiện diện lâu dài ở Ấn Độ Dương” - ông Kumar nói.

Hồi tháng 1, TQ từng tổ chức diễn tập quân sự chung chín ngày với Pakistan ở Ấn Độ Dương trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan ở khu vực tranh chấp Kashmir. Ấn Độ ngay lập tức triển khai một tàu sân bay tiếp cận để theo dõi.

Xa hơn nữa, vào tháng 12-2019, hải quân Ấn Độ cũng từng tuyên bố đã trục xuất tàu nghiên cứu Shi Yan 1 của TQ xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ (EEZ) ở Andaman. Do vị trí chiến lược, quần đảo Andaman và Nicobar là khu vực đặc biệt nhạy cảm, là nơi đặt nhiều hệ thống giám sát giúp New Delhi theo dõi các hoạt động trên biển Ấn Độ Dương.

Lực lượng Trung Quốc đồn trú ở căn cứ quân sự đặt tại Djibouti. (Ảnh chụp vào tháng 6-2017) Ảnh: REUTERS

“Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Theo trang tin quân sự Military.com, căn cứ quân sự của TQ ở Djibouti là một phần trong chiến lược kép “Chuỗi ngọc trai” và “Một vành đai - một con đường” vốn là trọng tâm trong các mục tiêu của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. Chiến lược “Chuỗi ngọc trai” nhằm xây dựng hoặc mở rộng các cảng ở các nước xung quanh như Pakistan, Sri Lanka, Maldives, Seychelles, Bangladesh, Djibouti và Myanmar.

Đối với Djibouti, quốc gia này là phép thử đầu tiên cho chiến lược viện trợ kinh tế với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ thiết lập tuyến vận tải khu vực và phát triển cảng biển ở đây nhưng thực chất là tạo bàn đạp cho việc mở rộng hiện diện quân sự sau đó. Hiện Djibouti là nơi đặt căn cứ quân sự quy mô lớn và duy nhất của TQ ở nước ngoài.

Một trường hợp khác là tại Gwadar, cảng nước sâu chiến lược ở Pakistan được TQ đổ tiền đầu tư và thuê cho đến năm 2059. Gwadar là một thành phần quan trọng của hành lang kinh tế TQ - Pakistan (CPEC) với vốn đầu tư lên tới 54 tỉ USD, được thiết kế nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng giao thông và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ở Pakistan.

Dù cả Islamabad và Bắc Kinh đều tuyên bố rằng sẽ không có sự hiện diện quân sự của TQ ở Gwadar nhưng nhiều nguồn tin cho rằng với động thái này thì sớm muộn gì TQ cũng xây dựng căn cứ quân sự ở Pakistan.

Trên thực tế, chiến lược “Chuỗi ngọc trai” đang vươn ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương khi TQ cùng lúc xúc tiến các dự án cảng và cơ sở hạ tầng ở Sao Tome, Principe, Darwin (Úc) và Piraeus (Hy Lạp). Đây đều là những hải cảng lớn nhất châu Âu mà TQ đang kiểm soát một lượng lớn cổ phần đầu tư. Ngoài ra, các công ty TQ cũng mạnh tay chi tiền cho việc mở rộng các cảng biển ở Singapore.

Với chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, TQ không những muốn mở rộng ảnh hưởng từ Biển Đông xuyên qua những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới để giữ con đường tới Trung Đông thông suốt, kiềm chế Ấn Độ, mà còn bảo đảm an ninh năng lượng và kiểm soát những tuyến hàng hải quan trọng khác.

Bất kỳ sự mạo hiểm quân sự nào của TQ sẽ nhận được đòn đáp trả tương ứng từ quân đội Ấn Độ. Nếu Bắc Kinh muốn đẩy cho cuộc xung đột biên giới giữa hai nước leo thang, chiến tranh sẽ nhanh chóng mở rộng ra mặt trận Ấn Độ Dương.

TS RAJEEV RANJAN CHATURVEDYĐH Quốc gia Singapore 

Ấn Độ sẽ có đối sách gì?

Tờ The Economic Times tuần qua dẫn lời một số quan chức hải quân giấu tên tiết lộ kế hoạch mới bao gồm việc triển khai tàu chiến, máy bay dọc các tuyến lưu thông hàng hải quan trọng và những nút thắt trên biển như eo biển Malacca hay eo biển Sunda nối biển Java với Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, đài India Today đưa tin tàu chiến Ấn Độ đã được triển khai thường trực tại Malacca và sẽ hiện diện nhiều hơn tại Sunda. Khoảng 70% dòng chảy thương mại toàn cầu được ước tính đi qua hai eo biển chiến lược này.

Số lượng tàu chiến được triển khai mỗi lần có thể lên đến 15 tàu, gồm khu trục hạm, tàu hộ tống, khinh hạm và các tàu tuần tra cỡ lớn. Những tàu này sẽ được duy trì, luân phiên hoạt động và được hỗ trợ bằng vệ tinh Rukmini cùng các máy bay tuần tra - săn ngầm P-8I, cất cánh mỗi ngày từ những căn cứ trong vùng.

Hoạt động tuần tra này nhằm duy trì sự hiện diện 24/7 của tàu chiến, kéo dài suốt năm tại khắp các khu vực thuộc Ấn Độ Dương từ vịnh Ba Tư, vịnh Aden ở phía Tây cho đến eo biển Malacca ở phía đông, từ vùng bắc vịnh Bengal cho đến vùng biển phía đông nam châu Phi.

Nguồn tin của The EconomicTimes cũng cho biết New Delhi đồng thời sẽ mở căn cứ không quân thứ ba mang tên INS Kohassa trên quần đảo chiến lược Andaman - Nicobar tại vịnh Bengal, được dự báo sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của máy bay giám sát tầm xa Ấn Độ.

“Trong bối cảnh TQ gia tăng sức ép, “đe dọa” trực tiếp tới địa vị số một của hải quân Ấn Độ ở Nam Á và cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược giữa hai nước ngày càng khó tránh khỏi tại khu vực thì có lẽ cách tốt nhất để New Delhi duy trì hòa bình là tăng cường năng lực răn đe trên biển” - The EconomicTimes nhận định.

Ấn Độ tăng cường quân sự, tranh thủ ủng hộ khu vực

Ngoài tăng cường tuần tra, The Economic Times cũng khẳng định hải quân Ấn Độ sẽ từng bước nâng cấp các căn cứ quân sự tại quần đảo chiến lược Andaman và Nicobar, đồng thời xây dựng thêm lực lượng tàu chiến và máy bay. Theo kế hoạch, số tàu chiến sẽ tăng từ 138 tàu lên thành 212 tàu và máy bay từ 235 chiếc lên 458 chiếc vào năm 2027.

Ngoài ra, New Delhi còn cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Bangladesh và các nước ASEAN qua những hoạt động hợp tác quốc phòng, tập trận, tuần tra chung, giao lưu huấn luyện và cung cấp khí tài quân sự nhằm đảm bảo vị thế trong khu vực Ấn Độ Dương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm