Văn bản nêu rõ việc quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn để xảy ra những hiện tượng phản cảm như chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội cướp phết xã Hiền Quan (Phú Thọ).
Cạnh đó, các lễ hội chọi trâu có biểu hiện thương mại hóa, trục lợi, trái với quy định tại một số địa phương như Yên Bái, Tuyên Quang… cũng được nhắc tới. Tiếp đó là lễ khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng sử dụng xe công, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hình ảnh phản cảm tại lễ hội cướp phết. Ảnh: PHI HÙNG
Cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng không cấp phép tổ chức các lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội. Cùng với đó yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính. Đồng thời không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.
Văn bản cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan ngoài việc quảng bá, tuyên truyền lễ hội, cần đẩy mạnh phổ biến pháp luật về lễ hội. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Bên cạnh tình trạng bày bán thịt động vật hoang dã, đồ chơi có tính bạo lực tại một số lễ hội, việc cần phải thực hiện các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, bán hàng niêm yết giá cũng được Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết dứt điểm .
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ VH-TT&DL cần phải quyết liệt chấn chỉnh những hành động phản cảm, bạo lực, trục lợi trong mùa lễ hội.