Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã gửi Sở TN&MT về kế hoạch hạn chế khai thác nước dưới đất năm 2021 và lộ trình thực hiện giai đoạn 2021-2023.
Xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất
Thực hiện Quyết định (QĐ) 1242 của UBND TP.HCM về lộ trình giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất, Sawaco đã xây dựng, triển khai kế hoạch hạn chế khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng dưới đất do đơn vị quản lý.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, nhận định đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện giảm khai thác nước dưới đất, một số thời điểm tổng lượng nước dưới đất khai thác chưa đạt theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, với các giải pháp điều chỉnh thì đến cuối năm 2020, tổng lượng nước khai thác đã đưa về mức 70.000 m3/ngày theo lộ trình được giao tại QĐ 1242.
Hiện Sawaco còn vận hành 22 công trình khai thác nước dưới đất gồm 21 trạm cấp nước trên địa bàn huyện Bình Chánh và Nhà máy nước ngầm Tân Phú.
Sawaco cho biết theo kế hoạch của Sở TN&MT, đơn vị đã xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất năm 2021 và lộ trình giai đoạn 2021-2023 phù hợp với lộ trình TP giao.
Cụ thể, năm 2021 sẽ giảm tổng lượng khai thác từ 70.000 m³/ngày về mức 66.000 m3/ngày. Giảm thêm 4.000 m3/ngày từ các trạm trên địa bàn huyện Bình Chánh gồm: Ngưng hoạt động trạm Bình Hưng Hòa B, Vĩnh Lộc A1, Tân Kiên 3 và Tân Nhựt 1 và giảm lượng khai thác từ trạm Tân Nhựt 2, An Phú Tây 2, Tân Túc và Tân Kiên 4.
Nhân viên ngành nước hỗ trợ trám lấp giếng khoan cho người dân tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: TN
Đối với năm 2022 sẽ giảm tổng lượng khai thác từ 66.000 m3/ngày về mức 60.000 m3/ngày. Trong đó, giảm thêm 6.000 m3/ngày từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú trong điều kiện tuyến ống Nguyễn Cửu Phú chưa hoàn thành.
Năm 2023, Sawaco sẽ giảm tổng lượng khai thác về mức 50.000 m3/ngày. Trong đó, giảm thêm 10.000 m3/ngày từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú trong điều kiện tuyến ống Nguyễn Cửu Phú chưa hoàn thành.
Đối với giai đoạn 2024-2025, tùy tình hình phát triển mạng lưới thực tế, Sawaco sẽ đề ra kế hoạch cụ thể để tiếp tục thực hiện theo lộ trình tại QĐ 1242.
Đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân
Ông Bùi Thanh Giang cho biết hầu hết các trạm cấp nước duy trì khai thác đều thuộc địa bàn huyện Bình Chánh. Nhu cầu sử dụng nước khu vực này dự báo tiếp tục gia tăng do tốc độ đô thị hóa cao. Trong khi đó, mạng lưới cấp nước chưa được hoàn thiện do khó khăn trong thực hiện các dự án phát triển mạng lưới, tiêu biểu như tuyến ống cấp 1 Nguyễn Cửu Phú đến cuối năm 2023 mới hoàn thành.
Vì vậy, Sawaco đã gặp nhiều khó khăn để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân khi giảm nhanh các trạm khai thác nước dưới đất. Do đó, đơn vị phải áp dụng giải pháp giảm sâu công suất khai thác của Nhà máy nước ngầm Tân Phú (về mức 15.000 m3/ngày vào năm 2023) để ưu tiên cho các trạm trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Vấn đề trên gây nhiều khó khăn trong vận hành, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn cũng như đời sống người lao động trong thời gian tới.
Theo ông Giang, để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu giảm khai thác nước dưới đất của TP, hạn chế các tác hại của việc khai thác nước dưới đất quá mức và đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ chính trị cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu thiết yếu, Sawaco đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Cụ thể, bên cạnh trách nhiệm của Sawaco trong phát triển nguồn nước mặt thì việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước và giảm khai thác nước dưới đất cũng quan trọng. Chính vì vậy, Sawaco kính mong Sở TN&MT xem xét tạo điều kiện cho Sawaco được ưu tiên duy trì hoặc điều chỉnh công suất các trạm trong trường hợp cần thiết để đảm bảo cung cấp nước sạch cho các khu vực chưa có hạ tầng cấp nước đầy đủ. Từ đó, thực hiện mục tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch.
Đối với các công trình khai thác nước dưới đất chuyển qua chế độ dự phòng phục vụ cấp nước an toàn, Sawaco đã đề xuất Sở TN&MT xem xét hỗ trợ khi cấp phép không tính sản lượng các trạm này vào tổng sản lượng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất của Sawaco. Hoặc có chế độ đặc thù phù hợp, để đảm bảo duy trì được nguồn dự phòng cho TP.HCM.
Về dài hạn, ông Giang cho biết Sawaco kiến nghị UBND TP.HCM, Sở TN&MT xem xét lại lộ trình giảm khai thác nước dưới đất trong thời gian tới nhằm giảm và kiểm soát được lượng khai thác nước dưới đất ở mức độ phù hợp (không vượt quá khả năng tự phục hồi của nguồn nước). Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của các đối tượng sử dụng nước tại các khu vực chưa có nguồn nước thay thế hoàn toàn được nước dưới đất.
Sawaco sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nước, đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước mặt để đảm bảo lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Sawaco sẽ phối hợp với Sở TN&MT, UBND các quận, huyện thực hiện trám lấp giếng khoan hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác theo Thông tư 72 của Bộ TN&MT. Sawaco cũng sẽ báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất về Sở TN&MT theo yêu cầu.•
Kế hoạch trám lấp giếng không khai thác giai đoạn 2021-2023 Trong năm 2021, Sawaco trám lấp hai giếng, năm 2022 sẽ trám lấp hai giếng, năm 2023 sẽ trám lấp hai giếng. Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn TP.HCM sẽ trám lấp giếng khu vực TP Thủ Đức và quận Tân Bình. Các khu vực này có 12 trạm với 31 giếng, dự kiến sẽ triển khai thi công năm 2021. Sawaco tiến hành trám lấp giếng khai thác của các trạm cấp nước đợt 1 là 20 trạm với 46 giếng, đợt 2 là 16 trạm với 41 giếng, đợt 3 là 19 trạm với 40 giếng. |