Sẽ có luật để phát quang “rừng luật”

Đây được xem là những công cụ hữu hiệu để dọn dẹp “rừng luật” hiện nay. Cụ thể, theo dự thảo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, cơ quan nhà nước sẽ đứng ra thu thập, rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL còn hiệu lực theo các chủ đề - các nhóm QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định để tiện lợi cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật trong cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết hiện nay văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều nên việc tiếp cận, tra cứu để áp dụng ngày càng trở nên khó khăn. Còn theo Tờ trình của Chính phủ, khi một VBQPPL mới được ban hành hủy bỏ toàn bộ hoặc một số quy định của văn bản cũ thì rất khó xác định QPPL nào còn hiệu lực, QPPL nào đã hết hiệu lực. Chưa kể, trong một số lĩnh vực, số lượng văn bản hướng dẫn lại rất nhiều, làm cho việc tiếp cận và áp dụng các VBQPPL trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, tính trung bình cứ một trang Luật Đất đai có 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành; đối với Luật Xây dựng, tỉ lệ này là 12,5 trang; đối với Luật Đầu tư là tám trang…

“Do đó, việc ban hành pháp lệnh sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật. Đồng thời, giúp người dân, các DN, các tổ chức khác dễ dàng tìm kiếm các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, qua đó góp phần giảm chi phí cho xã hội và sản xuất, kinh doanh” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT), nhiều thành viên trong UBTVQH tỏ ra băn khoăn về việc thành lập cơ quan PCRT ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như dự thảo đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước cho rằng đặt tại ngân hàng sẽ không hiệu quả vì chống rửa tiền là chống tội phạm nên phải giao cho cơ quan điều tra công an đảm nhận. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cũng cho rằng PCRT thực chất là phòng, chống một loạt các hành vi vi phạm hành chính, hình sự nên phải có phương pháp, biện pháp phù hợp. “Cơ quan chuyên trách đấu tranh chống rửa tiền nên đặt tại Bộ Công an còn NHNN là cơ quan phối hợp” - ông Ngọ đề nghị.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, lại cho rằng cơ quan PCRT đặt tại ngân hàng là hợp lý. Thông qua đó, ngân hàng sẽ phát hiện ra những hành vi đáng ngờ và nếu có những dấu hiệu sai phạm sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra xử lý. Đồng tình, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định mọi giao dịch về tiền tệ qua ngân hàng thì ngân hàng biết rõ hơn ai hết nên đặt cơ quan PCRT ở ngân hàng là hợp lý nhất.

Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại nêu quan điểm: Không thể thành lập thêm Cục chống rửa tiền ở Bộ Công an; còn đặt ở ngân hàng thì ngân hàng cũng không thể làm hết được. “Do đó, cần quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc PCRT và không để mục về cơ quan PCRT trong luật nữa” - ông Hùng đề xuất.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới