20 đội thi của sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa có một buổi biểu diễn chung kết cuộc thi múa rối nước tự động lần ba. Đây là những đội thi xuất sắc nhất được chọn từ 53 đội ở vòng loại.
Dùng app, nút bấm... điều khiển rối nước
Tại đây, hàng trăm khán giả không khỏi bất ngờ khi được xem các tiết mục biểu diễn múa rối nước ấn tượng và kịch tính trên sân khấu thủy đình được trang hoàng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Bắc bộ.
Những câu chuyện lịch sử hay văn hóa đồng quê được các SV tái hiện một cách sinh động. Như chọi trâu, sự tích dưa hấu, Sơn Tinh - Thủy tinh, Mục đồng thổi sáo, Cáo bắt vịt, Sự tích Hồ Gươm - trả gươm, múa lân, Ngô Quyền chiến thắng Bạch Đằng giang...
Đặc biệt, vẫn là những con rối nước truyền thống nhưng phía sau tấm rèm không có một nghệ nhân nào phải trầm mình dưới nước. Thay vào đó là các SV đang chăm chú lập trình, điều khiển từ xa bằng nút bấm, app trên điện thoại...
Trong từng tiết mục, những hiệu ứng sân khấu như phun lửa, nhả khói, phun nước hòa quyện với âm nhạc, ánh sáng... cũng được các SV sáng tạo thêm để tăng hấp dẫn với khán giả.
Anh Trần Minh Quang (SV năm nhất, ngành robot và trí tuệ nhân tạo) cho biết nhóm anh có bảy người và dự thi tiết mục chọi trâu.
Quang cho hay trước giờ anh chỉ mới nghe có loại hình rối nước chứ chưa xem ngoài thực tế bao giờ nên anh đăng ký tham gia để thử sức. Do mới học năm nhất và chưa hiểu nhiều về rối nước nên nhóm anh phải lên mạng tìm hiểu rất nhiều để hiểu về rối nước, biết cách làm sao đưa âm nhạc, lời thoại... vào sao cho phù hợp.
“Chọi trâu nghe đơn giản nhưng tụi em phải ứng dụng công nghệ để làm sao con rối diễn uyển chuyển như các nghệ nhân làm bằng tay mới khó. Do đó, tụi em dành nhiều thời gian để học hỏi cách lập trình điều khiển từ xa, kỹ thuật tự động để con rối di chuyển chính xác... Nhờ vậy mà em học hỏi được rất nhiều về công nghệ, hiểu được hơn về nguồn gốc múa rối, nội dung truyền tải của những màn múa rối” - anh Quang chia sẻ.
Anh Lê Hồ Phú Quý (SV năm tư, ngành cơ điện tử) cho biết nhóm anh thi tiết mục về trận đánh của Sơn Tinh - Thủy Tinh vì muốn tạo kịch tính cho khán giả.
Điều ấn tượng ở tiết mục này là các SV tạo app trên điện thoại để điều khiển rối nước. Quý cho hay đây là lần đầu tiên anh tham gia cuộc thi nên nhóm anh đã ứng dụng những kiến thức đã học và tự mày mò trên mạng về lập trình, tạo code, chuyển động... để thực hiện.
Các sinh viên đang chỉnh sửa và điều khiển các con rối tại buổi diễn chung kết. Ảnh: PHẠM ANH
Chỉ phục vụ cho sinh viên trải nghiệm
Được biết Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là trường đầu tiên ứng dụng công nghệ vào môn nghệ thuật truyền thống thú vị này.
PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng Khoa cơ khí chế tạo máy, cho biết đây là năm thứ ba trường tổ chức cuộc thi này. Các SV đến từ tất cả ngành học, khóa học khác nhau, mỗi đội 3-10 SV.
Theo PGS-TS Thịnh, không chỉ tạo sân chơi bổ ích, các SV còn thỏa sức sáng tạo, ứng dụng kiến thức vào thực tế và cũng để giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho các SV.
Còn tại cuộc thi này, các SV đã biết ứng dụng kiến thức nhiều lĩnh vực để có những sáng tạo về công nghệ để điều khiển từ xa, kết hợp kỹ thuật xử lý âm thanh, tạo hiệu ứng ánh sáng, biết tạo âm nhạc, câu chuyện nhân văn, trang trí rối...
“Việc này sẽ khắc phục được hạn chế của rối nước truyền thống và giảm khối lượng việc cho nghệ nhân mà vẫn lưu giữ được nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhờ đó các em yêu hơn loại hình nghệ thuật dân gian, hiểu thêm những câu chuyện lịch sử, từ đó nâng cao ý thức dân tộc hơn” - PGS-TS Thịnh nói.
PGS-TS Thịnh cho biết nhà trường đầu tư xây dựng nhà hát múa rối nước tự động đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới. Quy mô nhà hát này chứa khoảng 300 người, có thủy đình phục vụ rối nước tự động, khán đài. Tuy nhiên, nhà hát chỉ phục vụ cho SV trải nghiệm và nghiên cứu, biểu diễn mang tính giải trí trong các ngày hội của trường chứ không phục vụ kinh doanh.
Muốn truyền tải triết lý nhân bản đến sinh viên Yếu tố đầu tiên trong triết lý giáo dục của trường là nhân bản rồi mới đến sáng tạo và hội nhập. Do đó cuộc thi này đã mang đậm giá trị nhân bản, là tôn vinh cái đẹp, cái nhân văn vì nhiều khi chúng ta cứ đam mê kỹ thuật mà quên đi cái đẹp trong dân gian. Thứ hai là các đội thi năm nay thể hiện sự sáng tạo lớn khi rối nước truyền thống chưa thể có, như phun nước, phun lửa, múa quay... nhưng các em làm được. Các em biết học cách trang trí con rối sao cho đẹp, biết cách ứng dụng mỹ thuật trong kỹ thuật, điều khiển con rối, nghiên cứu kịch bản dân gian trong kỹ thuật... Thứ ba, nếu chúng ta đưa được văn hóa nghệ thuật này trở nên phổ biến cũng là một cách để hội nhập. Bởi nếu trước đây, người nước ngoài muốn thưởng thức múa rối phải đến Việt Nam, còn bây giờ, khi múa rối tự động phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể hình thành những đội hình múa rối nước tự động để đi biểu diễn ở nước ngoài. PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH |