Ngày 19-9, tại tọa đàm chuyển đổi số trong quản lý đô thị: “Xu hướng và giải pháp cho TP.HCM” do báo Người Lao Động tổ chức, Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết sở này đang thực hiện nhiều đầu việc để giải quyết vấn đề giao thông. Trong đó có việc nghiên cứu tích hợp giao thông.
Kết nối metro và tích hợp thẻ vé cho nhiều loại phương tiện
Dự kiến, cuối năm nay khi TP khai thác tuyến metro số 1 sẽ tích hợp xe buýt kết nối nhà ga metro số 1. Ngoài ra, còn tăng cường hệ thống biển báo giao thông, xây dựng thêm bãi giữ xe dọc metro số 1… để người dân đi lại thuận lợi.
Đồng thời, TP cũng quyết tâm đưa nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào vận hành. “Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu tổng thể lưu thông phương tiện, kể cả taxi, xe ôm… để đảm bảo đa dạng, phục vụ nhu cầu đi lại người dân” - ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, dự kiến cuối năm nay TP sẽ hoàn thành xong thẻ vé dùng chung và một thẻ đi được nhiều chuyến xe buýt và metro.
Về chương trình giao thông xanh, đề án chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn TP là đề án lớn nhằm đánh giá các loại hình phương tiện giao thông phải chuyển đổi sang dùng năng lượng xanh, sạch.
Trước mắt, TP phân hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ chuyển đổi xe buýt điện để sau năm 2030, toàn bộ hệ thống xe buýt, taxi, loại hình xe công nghệ đều sử dụng năng lượng điện. Đề án đang lấy ý kiến sở, ban, ngành… dự kiến cuối năm nay sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua.
Cần chìa khóa về thể chế và công nghệ
Ông cho rằng để giải quyết vấn đề giao thông có rất nhiều việc cần làm, trong đó quan trọng là thể chế, công nghệ. Đặc biệt, trong đề án chuyển đổi xe buýt điện thì chính sách là cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GTVT Phạm Khánh Hưng cho rằng để tích hợp và chia sẻ dữ liệu thì quy định pháp lý rất cần thiết. Ông ví dụ ở TP.HCM có hơn 5.000 doanh nghiệp vận tải được cấp phép với hơn trăm ngàn xe.
“Với cả trăm ngàn xe đi nhiều nơi như vậy thì việc theo dõi là cả một vấn đề. Công nghệ đã có GPRS nhưng hiện nay do Cục Đường bộ quản lý và không có quy định chia sẻ lại cho tỉnh, thành” – ông Hưng nói.
Ngành GTVT TP đã đề xuất Bộ GTVT về việc chia sẻ này nhưng hiện nay chưa có quy định nên các tỉnh, thành khó khăn trong giám sát, quản lý.
Giao thông công cộng giúp giảm kẹt xe
Cũng tại tọa đàm, vấn đề giao thông thông minh được nhiều chuyên gia bàn luận. PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng khi nói đến giao thông thông minh, nhiều người nghĩ ngay đến đèn đường thông minh, tra cứu đường thông minh, vé xe buýt điện tử, nắm bắt thông tin ùn tắc giao thông trên mạng lưới… Tuy nhiên, đây chỉ là những ứng dụng nhỏ trong giao thông thông minh.
Theo ông Tuấn, về bản chất, giao thông thông minh không phải công nghệ mà là một cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông phát triển một cách bền vững, kết nối liền mạch giữa các phương thức giao thông, giúp cho vận chuyển con người và hàng hóa di chuyển từ điểm A đến điểm B một cách an toàn, sạch.
Từ đó, muốn phát triển giao thông thông minh, giao thông xanh cần bắt đầu chọn phương thức nào đem lại hiệu quả nhất về đi lại.
Ông gợi ý trong công tác quy hoạch phải đẩy mạnh quy hoạch giao thông công cộng, bởi đây là nguyên tắc cốt lõi nhất trong quy hoạch giao thông.
Bên cạnh đó, cần phát triển các tuyến đi bộ và làn đường dành riêng cho xe đạp; nâng cấp hạ tầng thông tin, lắp đặt các cảm biến tại các nút giao thông…
Đồng quan điểm, ông Thạch Phước Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng TP.HCM kẹt xe nhiều do phương tiện cá nhân. Theo ông, phương tiện công cộng sẽ giúp điều tiết giao thông dễ dàng hơn. Vì thế, cần nghiên cứu, đẩy mạnh giao thông công cộng. Trong đó, hoàn thiện hệ thống xe buýt, phát triển metro.