Cụ thể, để được cấp giấy phép hành nghề, các đối tượng như bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên... phải đạt kết quả tại kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Trước đây, việc cấp chứng chỉ hành nghề chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở khám chữa bệnh.
Theo dự thảo, kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ thi lý thuyết và thực hành theo ngân hàng đề thi do Bộ Y tế phê duyệt. Dự thảo cũng đề ra hai phương án về đơn vị tổ chức thi: Một là do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức kỳ thi sát hạch năng lực quốc gia. Hai là các cơ sở đào tạo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế chỉ định tổ chức thi.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung thêm quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhà người bệnh. Cụ thể, nghiêm cấm người bệnh hoặc người nhà người bệnh đập phá tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức, thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí.
Dự thảo Luật bổ sung quy định nghiêm cấm bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức. Ảnh: Zing.vn
Thực tế sau chín năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh đã nảy sinh một số vấn đề về thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Điển hình như vấn đề an ninh bệnh viện, Luật khám bệnh mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh. Vì thế, luật này chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như: Các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh viện hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động này…