Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy lính Trung Quốc đã rút khỏi thung lũng Galwan – nơi xảy ra đụng độ với lính Ấn Độ tháng trước, báo South China Morning Post cho biết.
Những hình ảnh này được công ty ảnh vệ tinh Maxar Technologies (Mỹ) chụp ngày 6-7. Từ các hình ảnh có thể thấy dường như Trung Quốc đã tháo dỡ lều và di dời xe cộ, số lính trước đó đóng ở các địa điểm quan trọng cũng đã rút. Trong khi đó một bức tường dựng bên phía Ấn Độ cũng không còn.
Tín hiệu về một vùng đệm
Các hình ảnh này được chụp một ngày sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval.
Sau cuộc gặp này cả hai bên ra tuyên bố cam kết rút binh lính đóng dọc Đường Kiểm soát.
Hình ảnh vệ tinh chụp thung lũng Galwan dọc biên giới tranh chấp Ấn-Trung ngày 6-7 cho thấy hai bên có vẻ đã tháo dỡ các công trình cả hai dựng lên gần đây ở biên giới. Ảnh: Maxar Technologies/AP/SCMP
Các hình ảnh vệ tinh chụp trước đó cho thấy dường như lính Trung Quốc có xây nhiều công trình tạm ở hai khu vực Hot Springs và Gorga – hai điểm dễ xảy ra xung đột ở thung lũng Galwan. Tuy nhiên những hình ảnh mới cho thấy các con đường đã trống lại và không có công trình nào mới hay có hoạt động nào của con người ở các khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh chụp thung lũng Galwan dọc biên giới tranh chấp Ấn-Trung ngày 28-6 cho thấy phía Trung Quốc có nhiều hoạt động ở biên giới. Ảnh: Maxar Technologies/TWITTER
Báo Times of India dẫn một số nguồn tin cấp cao trong quân đội Ấn Độ cho biết sẽ có 3-4 tuần “ổn định” khi hai bên giám sát lẫn nhau và tiếp tục gặp nhau để giải quyết bất đồng.
Một cơ quan truyền thông khác của Ấn Độ cho biết lính nước này đã rút khoảng 1,5 km, và hy vọng hai bên sẽ tạo một “vùng đệm” ở biên giới.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao từ đầu tháng 5. Đến đầu tháng 6 hai bên có gặp nhau để bàn giảm căng thẳng nhưng không thành, và tiếp đó là vụ đụng độ nghiêm trọng giữa lính hai bên vào tối 15-6. Ấn Độ nói mình mất 20 lính trong vụ này, phía Trung Quốc nói bên mình có thương vong nhưng không nói cụ thể con số.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc muốn hạ thấp cuộc khủng hoảng này để tránh kích động cảm xúc dân tộc chủ nghĩa trong nước, trong thời điểm quan hệ giữa nước này với Mỹ đang rất xấu.
Hình ảnh vệ tinh chụp thung lũng Galwan dọc biên giới tranh chấp Ấn-Trung ngày 6-7 cho thấy Trung Quốc có vẻ đã tháo dỡ các công trình dựng lên gần đây ở biên giới. Ảnh: Maxar Technologies/TWITTER
Ông Liu Zongyi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nhận định hai bên đồng ý rút lui ở biên giới vì “Trung Quốc không muốn chiến tranh và Ấn Độ không có khả năng đánh”.
Tuy nhiên hiện hai bên vẫn chưa nói gì cụ thể về kế hoạch giảm căng thẳng, và theo nhiều nhà quan sát, con đường phía trước của quan hệ ngoại giao Trung-Ấn vẫn gập ghềnh.
Thống nhất “không xem nhau là mối đe dọa”
Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau cuộc gặp của ông Vương với ông Doval cho biết cả hai bên thống nhất không xem nhau là mối đe dọa.
Tuy nhiên thực tế có nhiều điều đáng ngại từ hai bên. Gần đây Trung Quốc triển khai một số lượng vũ khí tiên tiến đến biên giới. Bên Ấn Độ thì Thủ tướng Narenda Modi vừa có chuyến thăm binh lính ở thị trấn Ladakh tuần trước và chỉ trích Trung Quốc rằng “thời kỳ bành trướng” đã qua rồi.
Nhiều nhà phân tích cho rằng bất đồng hai bên không dễ mà giải quyết được, khi cảm xúc dân tộc chủ nghĩa ở cả hai quá cao. Theo ông Liu, “ông Modi cần làm cảm xúc chống Trung Quốc xuống ở Ấn Độ giảm xuống, còn không thì sẽ rất khó để hai bên tuân thủ thời điểm ổn định”.
Hình ảnh vệ tinh chụp thung lũng Galwan dọc biên giới tranh chấp Ấn-Trung ngày 6-7 cho thấy hai bên có vẻ đã tháo dỡ các công trình cả hai dựng lên gần đây ở biên giới. Ảnh: Maxar Technologies/TWITTER
Trong khi đó, dù thừa nhận cảm xúc dân tộc có vai trò trong căng thẳng biên giới nhưng Giáo sư Srikanth Kondapalli nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nói cảm xúc này ở Ấn Độ không theo kịp cảm xúc dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.
Theo Giáo sư Kondapalli, việc hai bên đồng ý giảm căng thẳng hiện tại có thể sẽ không đủ để giải quyết các vấn đề cốt lõi đã dẫn tới nhiều vụ xung đột biên giới. Ông cho rằng thỏa thuận giữa Bộ trưởng Vương và Cố vấn Doval mang tính pháp lý cao hơn thỏa thuận các chỉ huy quân đội hai bên đạt được trước đó. Tuy nhiên bản thân chuyện biên giới chưa được phân chia là vấn đề khó giải quyết.
“Có một số thông tin rằng hai bên đồng ý rút quân sâu 3 km, nhưng vì bản thân Đường Kiểm soát Thực tế vẫn còn là một yếu tố bất đồng, vậy 3 km là chính xác bắt đầu từ đâu? - Giáo sư Kondapalli đặt câu hỏi.