Đây là một trong những nội dung được chú ý trong dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (QH) (sửa đổi) được Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp QH, ngày 27-10.
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định thủ tục chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp thay cho thủ tục phát biểu nhậm chức và được tiến hành ngay sau khi QH thông qua nghị quyết về bầu nhân sự.
Riêng đối với phiên họp toàn thể của QH, để góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật kỳ họp, khắc phục tình trạng vắng quá nhiều đại biểu (ĐB), ảnh hưởng không tốt đến chất lượng phiên họp cũng như kết quả biểu quyết, dự thảo nội quy nên bổ sung quy định về việc điểm danh bằng thẻ điện tử, công khai danh sách ĐB vắng mặt và tỉ lệ tối thiểu ĐB có mặt (có ít nhất quá nửa hoặc 2/3 tổng số ĐBQH) là điều kiện bắt buộc để tiến hành phiên họp toàn thể.
Ngoài ra, dự thảo nội quy quy định về trường hợp ĐBQH không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt trên ba ngày làm việc tại mỗi kỳ họp QH thì gửi văn bản và nêu rõ lý do thời gian vắng mặt đến trưởng đoàn ĐBQH, đồng thời gửi văn bản đến tổng thư ký QH để báo cáo chủ tịch QH quyết định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết quy định các chức danh chủ chốt tuyên thệ nhằm bảo đảm tính nghiêm trang của QH, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Việc tuyên thệ khẳng định sự trung thành với Hiến pháp, với nhân dân và giữ lời hứa với cử tri.
Về trường hợp ĐB vắng mặt trên ba ngày phải báo cáo với QH và chủ tịch QH, ông Phúc cho rằng thể chế chính trị của Việt Nam khác với QH các nước, ĐBQH kiêm nhiệm ở địa phương chiếm 70%; trong đó có nhiều bí thư, chủ tịch các tỉnh nên thường phải có mặt ở địa phương để tham gia chỉ đạo công việc. Việc quy định ba ngày là để thuận tiện cho ĐBQH thu xếp công việc.