“Cả nước có khoảng 9 triệu hộ sản xuất, 600.000 hộ kinh doanh thì sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP là rất khó khăn”.
Theo ông Long, cả hệ thống phải vào cuộc và phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong lĩnh vực ATTP. “Khi phát hiện vi phạm thì phải công khai kịp thời để dân biết, tẩy chay thực phẩm bẩn”, Thứ trưởng Long nói và cho biết: Mỗi năm có tới 500.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra nhưng mức độ xử phạt không nhiều. Tới đây, cần phải xử phạt nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm ATTP để răn đe.
Theo kế hoạch phối hợp giám sát của MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công. Đồng thời sẽ công bố trên báo chí tên và việc xử lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về ATTP. Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh, MTTQ các cấp sẽ đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực ATTP đến tận cơ sở.