Sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu giấy

Số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh thực trạng khan hiếm giấy in báo trên thị trường khiến các nhà in phải chạy cầm chừng và gồng mình chịu lỗ. Bộ Công thương cũng cho biết trong bốn tháng đầu năm nay, đặc biệt là trong tháng 4, nhu cầu giấy in báo, giấy viết trong nước đã tăng khoảng 15%-20% so với cùng kỳ. Trước thực trạng này, một số ý kiến đề xuất Chính phủ cần có điều tiết về chính sách thuế nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm giấy trước mắt cũng như cần có chính sách và quy hoạch lâu dài cho ngành giấy.

Lo ngại thời điểm hết tháng 6

Ông Nguyễn Quỳnh Thắng, Giám đốc Nhà in Báo Nhân Dân, cho biết mỗi năm nhà in này cần khoảng 7.000 tấn giấy in, trong đó Tân Mai chỉ cung cấp khoảng 5.000 đến 5.500 tấn. Còn lại 1.500 tấn là giấy nhập ngoại, phải phụ thuộc vào thị trường giấy nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay cả giấy mua trong nước các nhà in cũng phải chịu giá khá cao do chi phí vận chuyển tăng. “Chi phí vận chuyển giấy từ phía Nam ra Bắc khoảng 24 triệu đồng một container 26 tấn, điều này khiến cho giá giấy đội lên từ 800 ngàn đến một triệu đồng/tấn” - ông Thắng cho biết.

Giám đốc một nhà in tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) tỏ ý lo ngại hết thời điểm Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá thì các doanh nghiệp sẽ đồng loạt lên giá (hết tháng 6). Cũng không loại trừ các đơn vị sản xuất viện đủ lý do để sản xuất cầm chừng, đợi hết tháng 6 thì tăng giá. “Mức giá giấy hiện nay khoảng 13 triệu đồng/tấn là đã cao hơn so với tháng 12-2007 tới 20%. Dù tăng giá nhưng các doanh nghiệp cung cấp giấy còn “chảnh”, không thèm bán với đủ lý do. Vì vậy, các nhà in đang trong tình trạng chạy ăn từng bữa, đặc biệt những nhà in nhỏ thì ngắc ngoải vì giá trên thị trường cao chót vót mà cũng không có giấy để mua” - vị này cho biết.

Hiện một số doanh nghiệp đã có ý kiến đề xuất về giải pháp lâu dài cần có một nhà máy sản xuất tại phía Bắc, cung cấp cho thị trường giấy in báo phía Bắc, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng trước mắt, trong bối cảnh các nước ASEAN tạm ngưng giao dịch, nhiều doanh nghiệp ngành in đề xuất Chính phủ cần điều tiết thị trường bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với các nước ngoài ASEAN để các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu giấy với giá có thể “chịu” được.

Bộ Công thương và Tài chính sẽ xem xét

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều qua, bà Mai Thy Vân, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết hiện Vụ chưa nhận được văn bản của các doanh nghiệp và Hiệp hội Giấy về tình trạng khan hiếm giấy. Theo bà Vân, trong tình hình lạm phát tăng cao, chỉ đạo của Thủ tướng là giảm nhập khẩu, song một số trường hợp và ngành hàng có thể được xem xét. “Các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà in... cần có ý kiến chính thức với Bộ Công thương và Bộ Tài chính về thực trạng khan hiếm giấy và khả năng cung cấp trên thị trường hiện nay để Chính phủ xem xét, có những điều chỉnh phù hợp” - bà Vân nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nhiệp nhẹ (Bộ Công thương), cho rằng một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng khan giấy là phải thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu. Về đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu giấy, ông Dũng nhận định trong tình hình lạm phát, giá cả leo thang, việc giảm thuế nhập khẩu là tương đối khó khăn. “Tuy nhiên, nếu tình hình khan hiếm giấy thực sự đáng báo động thì cần điều chỉnh thuế suất như một giải pháp tình thế để cung ứng và điều tiết thị trường” - ông Dũng nói.

Chiều qua, theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, để đảm bảo sản xuất và ổn định giá giấy, trong vài ngày tới Bộ Công thương sẽ họp bàn với Bộ Tài chính xem xét lại thuế nhập khẩu giấy và bột giấy cho phù hợp.

THANH HẢI - LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới