Sẽ họp liên ngành vụ cụ bà 84 tuổi ở Cao Bằng 30 năm kêu oan

Tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp, chiều 22-10, ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, cho biết đã nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của gia đình bà Nguyễn Thị May ở Cao Bằng về vụ án oan xảy ra hơn 30 năm trước.

“Chúng tôi có chức năng hỗ trợ người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong việc làm thủ tục yêu cầu bồi thường, và có nhận được đơn của gia đình cụ May. Hiện tài liệu kèm theo chưa đủ để đánh giá. Chúng tôi dự kiến sẽ đề nghị các cơ quan tố tụng trung ương có liên quan họp liên ngành để hỗ trợ trường hợp này. Thời gian cụ thể còn tùy tình hình dịch bệnh” – ông Phương cho biết.

Vụ việc của bà Nguyễn Thị May, trú tại phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng đã được các cơ quan tố tụng liên quan thừa nhận là oan. Tuy nhiên, quá trình đánh giá, yêu cầu bồi thường giữa gia đình bà May với bên có lỗi là VKS Quân sự Quân khu 1 thì tiếng nói đôi bên lại chưa gặp nhau.

Vậy là, bà May, nay 84 tuổi, cùng hai con đã khởi kiện VKSQS Quân khu 1 và đơn kiện đã được TAND tỉnh Cao Bằng thụ lý. 

Đến thời điểm này, TAND tỉnh Cao Bằng chưa thông báo kế hoạch xét xử.

Bà Nguyễn Thị May và con trai yêu cầu được xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại xảy ra do bị khởi tố, bắt tạm giam oan trong vụ án giết người xảy ra hơn 30 năm trước. Ảnh:TUYẾN PHAN

Như PLO đã đưa tin, năm 1988, một vụ án giết người xảy ra ngay tại gia đình bà Nguyễn Thị May, mà nạn nhân là một thiếu úy, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng – là người quen của chính gia đình bà. Cơ quan tố tụng hình sự Quân khu 1 lần lượt khởi tố, bắt tạm giam con trai, con gái và bà May theo tội danh giết người.

Đến năm 1990, không đủ chứng cứ buộc tội, VKSQS Quân khu 1 đình chỉ bị can với cả ba mẹ con. Quyền và lợi ích hợp pháp của ba mẹ con sau đó được phục hồi…

Được biết, năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Tiếp đó, Quốc hội ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Các văn bản này đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc hàm oan trong tố tụng hình sự phải xin lỗi công khai người bị oan, và phải xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại vật chất nếu có yêu cầu.

Ba mẹ con bà May trên cơ sở đó đã yêu cầu VKSQS Quân khu 1 xin lỗi và bồi thường. Nhưng cho đến nay, VKSQS Quân khu 1 từ chối bồi thường, với lý do hết thời hiệu, còn việc xin lỗi thì cũng chưa diễn ra, dù luật không đòi hỏi phải điều kiện gì.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm