Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, theo đó Bộ GTVT được yêu cầu xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và những nơi có hệ số an toàn cao.
Tin vui với lao động xuất ngoại
Theo đại diện một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động, từ khi các đường bay thương mại quốc tế đóng cửa, tỉ lệ lao động được xuất cảnh sang các nước làm việc nhỏ giọt. Thời gian gần đây, một số ít lao động xuất cảnh sang Đức và Hàn Quốc, còn lại hầu hết thị trường vẫn đang đóng băng. Trong khi từ cuối năm ngoái, ứng viên phỏng vấn trúng tuyển sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan lên đến hàng chục ngàn ứng viên. “Nếu cho bay trở lại, các công ty sẽ chuẩn bị thủ tục xin visa cho hàng ngàn ứng viên xuất cảnh sang Nhật làm việc” - bà Ngọc Dung, đại diện một công ty xuất khẩu lao động tại TP.HCM, nói.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn, cho biết đây là tin mừng đối với các DN trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, vì hiện tại có cả trăm ứng viên đã phỏng vấn trúng tuyển, đang chờ xuất cảnh sang Nhật làm việc nhưng từ đầu năm đến nay chưa bay được vì đóng cửa đường bay quốc tế.
Dù rất phấn chấn nhưng bà Cúc lại thận trọng đặt vấn đề hiện tại Nhật Bản dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp nên cần phải có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho ứng viên trước khi bay và tiếp nhận về các công ty làm việc. “Đây cũng là biện pháp để bảo vệ sức khỏe và động viên tinh thần cho các em trước khi bay sang Nhật” - bà Cúc kiến nghị.
Sắp tới, các thực tập sinh sẽ có nhiều cơ hội để xuất cảnh sang Nhật làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN
Theo các DN xuất khẩu lao động chia sẻ, quy mô tiếp nhận lao động tại thị trường Hàn Quốc không cao, bình quân mỗi năm tiếp nhận 2.000-3.000 lao động trong các lĩnh vực công nghiệp và ngư nghiệp. Ngoài ra, một số địa phương phía Hàn Quốc còn tiếp nhận lao động làm việc thời vụ tại các nông trại. Còn thị trường Nhật và Đài Loan có hàng trăm DN tổ chức đưa lao động sang làm việc. Bình quân mỗi năm đưa hàng chục ngàn ứng viên sang làm việc trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, thuyền viên. Hiện một số vị trí ứng tuyển như gia công, chế tạo, cơ khí bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các công ty tại Nhật thu hẹp sản xuất, còn các lĩnh vực bán hàng siêu thị, thực phẩm, nhu cầu tuyển dụng cao nên nhu cầu xuất ngoại trên đường bay Nhật Bản khá cao.
Chiều ngược lại, các DN cho biết hiện có hàng ngàn thực tập sinh, lao động tại Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan hết hạn hợp đồng nhưng do đường bay về Việt Nam chưa mở, bị kẹt lại từ nhiều tháng nay nên nhu cầu bay về nước cũng khá cao.
Sẵn sàng trở lại bầu trời quốc tế
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện các hãng hàng không Việt Nam cho biết luôn sẵn sàng để mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc này cần sự chấp thuận từ Chính phủ và nước sở tại, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết thời gian qua, hãng đã thực hiện một số chuyến bay đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Các lao động trước khi xuất cảnh được sự chấp thuận của nước sở tại. Đại diện hãng chia sẻ trước khi mở lại các đường bay quốc tế phải thông qua khá nhiều bước, trong đó bao gồm công tác y tế đối với chuyến bay thương mại. Ngoài ra còn có các bước đàm phán với các bên liên quan khác trước khi hãng triển khai hoạt động khai thác thương mại.
Còn đại diện hãng hàng không Bamboo Airways phản hồi hãng luôn sẵn sàng để quay trở lại bầu trời quốc tế bất cứ thời điểm nào khi được Chính phủ và các bên liên quan chấp thuận. Về lộ trình trở lại đường bay quốc tế, phía hãng cho biết dự kiến quý IV năm nay hoặc đầu năm 2021 mới bắt đầu mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế. Hiện hãng đang đẩy mạnh thuê chuyến đưa công dân từ các nước về Việt Nam. “Từ nay đến cuối năm hãng đẩy mạnh các chuyến bay thuê đi/đến Úc, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật” - đại diện Bamboo Airways thông tin.
Các chuyên gia hàng không tính toán các đường bay quốc tế mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn so với đường bay quốc nội do các nguồn thu từ vé, vận chuyển hàng và các dịch vụ hàng không liên quan. Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh nên các quốc gia đóng cửa bầu trời để hạn chế dịch bệnh lây lan. Còn các hãng hàng không cũng rất thận trọng khi mở lại các chuyến bay quốc tế để đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.
Bay quốc tế để cứu vãn hàng không Hiện nhiều nước đã mở lại đường bay quốc tế để cứu vãn ngành hàng không, khôi phục du lịch, thông thương hàng hóa để phục hồi nền kinh tế. Trong đó gồm các nước ở khu vực châu Âu di chuyển trong nội khối Liên minh châu Âu và một số nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại châu Á, Singapore tiên phong mở đường bay đi một số nước từ đầu tháng 9. Các nước Thái Lan, Nhật và Hong Kong cũng kêu gọi nối lại các đường bay quốc tế để cứu hàng không, giao thương hàng hóa. Tại Việt Nam, Hiệp hội DN hàng không đã đề nghị Thủ tướng cho phép mở lại một số đường bay quốc tế khi kiểm soát tốt dịch COVID-19. |