Chiều 21-12, lần đầu tiên chủ trì họp báo của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm lo ngại vì hành vi vi phạm giao thông không bị lên án, tình hình tội phạm tăng so với năm trước…
Bắt giữ nhiều người không phải là mục tiêu
Báo cáo kết quả công tác của Bộ Công an cho thấy năm qua, toàn lực lượng đã phá hơn 42.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hơn 80.000 đối tượng, trong đó có hơn 16.800 vụ tội phạm kinh tế, 244 vụ tham nhũng, 3.300 vụ buôn lậu, xử lý hơn 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường…
Các con số này đều cao hơn năm 2015 và Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng bắt giữ nhiều người không phải là mục tiêu của ngành công an, bởi cái đích mong muốn phải là an ninh, trật tự được đảm bảo, xã hội có kỷ cương và người dân thấy bình an.
Nhưng để đạt được mục tiêu ấy, một mình lực lượng công an không thể đảm đương nổi. “Tôi băn khoăn rất lớn về tình trạng vi phạm pháp luật. Ví dụ như vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông, năm qua xử phạt hơn 2.000 tỉ đồng - bằng thu nhập của một tỉnh nghèo. Điều đó cho thấy vi phạm còn phổ biến lắm” - bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì buổi họp báo thông tin tình hình an ninh trật tự năm 2016. Ảnh: NN
Bộ trưởng cho là dường như bất kỳ người dân nào cũng có thể vượt đèn đỏ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Phổ biến đến mức “không còn ai lên án hành vi đó, khác hẳn với thời trước đây - người vi phạm bị cô lập, lên án, xem thường - thì giờ đây thậm chí còn được cổ vũ”.
Bộ trưởng mong muốn người dân, báo chí chung tay với lực lượng công an trong xây dựng một xã hội kỷ cương, an lành. Ông cũng đề nghị xã hội giám sát chặt chẽ hơn nữa với hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ công an, có khen, có chê để lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Sẽ có quy định ngăn cán bộ bỏ trốn
Trả lời câu hỏi của báo chí về quá trình điều tra vụ thua lỗ 3.500 tỉ đồng có bị lộ, lọt thông tin hay không mà Trịnh Xuân Thanh, sau này là Vũ Đình Duy bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Nội bộ lộ, lọt tin nhưng những vụ này, từ khâu thanh tra, kiểm tra đã khép tội rồi. Đối tượng lại có trình độ, rất nhạy cảm, nghe tình hình là biết ngay”.
Từ thực tế này, ông cho biết tới đây Bộ sẽ xem xét, kiến nghị quản lý chặt hơn cán bộ, đảng viên trong quan hệ với nước ngoài. Đồng thời cần có quy định chặt chẽ hơn các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tiền tố tụng, theo tinh thần “đảng viên thì càng phải quản lý khắt khe hơn”.
Trong hai vụ việc này, theo Bộ trưởng, cơ quan chức năng có theo dõi, chú ý, nắm bắt tình hình nhưng tại thời điểm xảy ra việc bỏ trốn thì chưa khởi tố vụ án, chưa thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo tố tụng. Chưa kể là qua rà soát, những người này không xuất cảnh bằng tên thật, hộ chiếu thật.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng cũng khẳng định là lực lượng công an sẽ gương mẫu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng để công an thực sự trong sạch, vững mạnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của lực lượng công an...
Về kiến nghị của TP.HCM cho tái lập lực lượng săn bắt cướp theo mô hình săn bắt cướp trước đây, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết công tác phòng, chống cướp giật không chỉ là bắt giữ tại hiện trường. Ngay cả mô hình tổ, nhóm “hiệp sĩ” cũng có nhiều rủi ro, gây nguy hiểm cho người dân và dễ bị lạm dụng. Tổng cục Cảnh sát đã có nghiên cứu theo hướng sẽ có những tổ đặc nhiệm nhằm mục đích cao nhất là phòng ngừa, phát hiện, xử lý sớm nhất tội phạm đường phố… __________________________ 19.000 vụ phạm tội ma túy được phát hiện với gần 29.000 người bị bắt giữ, tăng gần 1.800 vụ và tăng gần 2.500 người so với năm 2015. |