SEA Games lợi, hại do mình!

Làng bóng Việt Nam (VN) ồn ào việc thầy trò ông Park bị rơi vào nhóm cuối cùng trong phân nhóm bốc thăm chia bảng SEA Games 30 và cho đấy là điều bất lợi. Lý thuyết U-22+2 VN có thể rơi vào bảng Thái Lan (Philippines nhóm 1), Malaysia (Indonesia nhóm 2), Myanmar (Singapore nhóm 3) và nhóm 4 bao gồm VN, Lào, Campuchia, Brunei và Đông Timor.

Thực tế, rất nhiều lần các đội tuyển trẻ VN từng nằm ở nhóm hạt giống cao cũng đâu có gặp nhiều thuận lợi hơn. Như ở SEA Games 29 - 2017, thầy trò HLV Hữu Thắng rơi vào nhóm hạt giống số 2, chỉ sau Thái Lan và chủ nhà Malaysia, cùng với một lịch thi đấu gặp các đối thủ từ thấp đến cao rất thuận lợi để vào bán kết. Đùng một cái, U-23 VN không thắng nổi Indonesia ở nhóm hạt giống thua mình và thua nặng nề Thái Lan 0-3 trận cuối vòng bảng, phải về nước sớm.

Nhiều gương mặt đá SEA Games 29 sẽ trở lại với SEA Games 30 - 2019 dưới trướng thầy Park. Ảnh: D.PHƯƠNG

Tương tự, các kỳ SEA Games trước đó, đội tuyển U-23 VN đều là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch nhưng rồi vẫn chưa một lần thỏa mãn, đành nhìn người Thái, Malaysia đăng quang. Ngược lại, ở vòng chung kết U-23 châu Á hồi năm ngoái, thầy trò HLV Park Hang-seo cũng rơi vào nhóm hạt giống cuối, còn Thái Lan nằm trên. Kết quả là U-23 VN lên ngôi á quân, còn U-23 Thái Lan sớm bị loại từ vòng bảng.

Vì thế, việc SEA Games vào cuối năm nay có phân hạt giống ra sao cũng chẳng có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị và nội lực của thầy trò ông Park.

Cũng như việc chủ nhà Philippines đưa ra điều lệ mới bổ sung hai cầu thủ trên 22 tuổi cho các đội tuyển tham dự SEA Games không phải là lợi lộc riêng lẻ cho bóng đá VN. Nên nhớ chiêu này xuất phát từ chủ nhà Philippines yếu nền tảng trẻ và AFF vận động để chiều chủ nhà hơn là vì các đội.

Còn nhớ giải Asian Cup 2019 vừa xong, ông Park có đội hình tuyển quốc gia rất trẻ với độ tuổi bình quân 23 nên có tăng cường ít ỏi hai cầu thủ vẫn không làm cho đàn em mạnh lên nhiều. Chưa kể đội nào cũng thế, đâu phải có mỗi mình!

Điều quan trọng nhất vẫn là con người và cách chơi của các cầu thủ dưới thời ông Park ra sao mà thôi. Cần biết từ trận chung kết U-23 châu Á cho đến bán kết Asiad 18, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, ông thầy Hàn thường cho học trò đá với thế kèo dưới và thắng nhờ sự hợp lý, biết mình biết người. Thậm chí ở Đông Nam Á, cầu thủ của thầy Park đâu có kiểm soát bóng và thế trận hơn Myanmar, Philippines, Malaysia nhưng vẫn đạt mục tiêu cao nhất.

Lợi hay hại ở SEA Games do mình cả!

Chỉ tiêu vàng SEA Games từ bước đệm U-23 châu Á

Thầy trò HLV Park Hang-seo sắp sửa đá vòng loại U-23 châu Á trên sân nhà Mỹ Đình có ý nghĩa và tác động rất lớn đến những cuộc chơi sau đó. Hai đối thủ lớn của U-23 VN là tuyển U-23 Thái Lan và Indonesia (cùng đội bị xem lót đường U-23 Brunei) có dàn quân hùng hậu và đều tuyên bố vượt qua mọi chướng ngại. Cho nên U-23 VN gồm nhiều trụ cột trong thành phần U-22+2 đá SEA Games vào cuối năm nếu đoạt một suất chơi vòng chung kết U-23 châu Á là một cú hích tinh thần rất lớn cho cầu thủ trẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm