‘Sinh viên ra trường cái gì cũng biết nhưng chỉ không biết làm việc’

(PLO)- Sinh viên Việt Nam vẫn đang có tâm lý thiếu tự tin khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế. Nhiều sinh viên ra trường cái gì cũng biết nhưng chỉ không biết làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Văn Lang chia sẻ thẳng thắn tại tọa đàm với chủ đề: “Sự chuyển mình của Giáo dục ĐH để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai”.

Tọa đàm được trường tổ chức ngày 22-12, ngay trong lễ công bố tái định vị thương hiệu với nhận diện thương hiệu mới của trường.

Tại đây, các chuyên gia đã chia sẻ những ý kiến thực tế cũng như đóng góp những giải pháp để nâng chất lượng đào tạo ĐH.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, cho rằng đại dịch COVID-19 ở Việt Nam cho chúng ta rất nhiều bài học về thích ứng, về chuyển đổi, nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề trong xử lý xã hội.

Do đó, theo bà Ninh, trong biển cả kiến thức toàn cầu hiện nay, kỹ năng xã hội và cảm xúc vô cùng quan trọng. Khi còn đi học, sinh viên cũng cần phải hiểu biết, được trang bị kiến thức, kỹ năng đúng cách đúng cách. Giáo dục ĐH phải cung cấp tư duy cho người học để người học biết được hướng đi nào đúng.

Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: NT

Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: NT

Đại diện một số lãnh đạo một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM cũng chia sẻ rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang tác động mọi mặt của cuộc sống. Có những kiến thức mới biết hôm nay còn chưa sử dụng thành thạo thì vài tháng sau đã lỗi thời. Do đó, ngoài việc không ngừng tự học, người lao động cần được trang bị kỹ năng giải quyết các vấn đề.

“Đâu đấy trong môi trường học, các em được đào tạo rất nhiều chuyên môn kỹ năng nhưng cần hơn nhiều bài tập giải quyết các vấn đề cụ thể. Không cần phải đúng mà các em cần được tập sự tư duy để ra trường có thể thích ứng và làm việc. Bản thân mỗi cá nhân cần có kế hoạch của riêng mình, cần biết ưu tiên và biết thế mạnh của mình ở đâu, muốn cái gì. Rồi từ đó phải có trách nhiệm với kế hoạch đó của mình vì không ai giúp mình tốt hơn chính mình” – một đại diện lãnh đạo chia sẻ.

Cũng theo các chuyên gia, tất cả các đơn vị hiện nay đều nói tới chuyển đổi số, để làm được thì bản thân đơn vị, mỗi người lao động cần có kỹ năng số. Điều này tức là mỗi người không chỉ biết sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản…mà còn phải chú trọng an toàn thông tin trong sử dụng công nghệ. Bên cạnh đó là phải có một tinh thần luôn sẵn sàng chuyển đổi, nếu không sẽ rất dễ lung lay, gãy đổ khi bão giông.

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang cho rằng yếu tố quan trọng để vượt qua những biến đổi không ngừng của xã hội hay công nghệ là cần có kế hoạch, dự báo trước. Theo ông Trí, hiện nay, có nhiều công cụ để đo chất lượng đào tạo nhưng đánh giá của thị trường lao động mới là quan trọng nhất.

TS Nguyễn Cao Trí chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: NT

TS Nguyễn Cao Trí chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: NT

Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận sinh viên ở Việt Nam hiện nay vẫn đang có tâm lý thiếu tự tin khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế. Nhiều sinh viên ra trường cái gì cũng biết nhưng chỉ không biết làm việc. Theo ông, một phần quá trình đào tạo ĐH ở Việt Nam quá ngắn, vì một khóa học ĐH kéo dài bốn năm nhưng thực tế các em đã mất hai năm để học những kiến thức đại cương,… Hơn nữa, thay đổi tư duy của người học, người thầy cũng không phải đơn giản, việc giảng dạy còn áp dụng nhiều kinh nghiệm quá khứ để dạy cho sinh viên nên khi vừa ra trường kiến thức đó đã lạc hậu….

Do đó, theo TS Nguyễn Cao Trí, trong định hướng phát triển, trường luôn chú trọng không chỉ đào tạo kiến thức cho người học, mà còn trang bị kỹ năng, tư duy, khả năng thích ứng với sự thay đổi, nhất là với thời đại công nghệ số cho các em. Trường ĐH không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn chính là nơi tạo ra kiến thức, dự báo kiến thức….

“Thông qua các chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất đạt chuẩn, trường mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đầy đủ tư duy - kiến thức - kỹ năng hội nhập với thế giới, có thể gia nhập nguồn nhân lực làm việc tại nước ngoài hoặc bước vào mọi môi trường làm việc có yếu tố quốc tế ngay tại Việt Nam” – TS Cao Trí nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm