Sinh viên thích thú được giảng viên tận tay hướng dẫn sử dụng ChatGPT

(PLO)- Một khảo sát nhỏ cho thấy có đến 72% sinh viên đã sử dụng ChatGPT nhưng chưa thành thạo, một số chưa sử dụng hoặc chỉ dùng khi bí ý tưởng.

Ngày 11-11, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo 2024. Tuần lễ kéo dài đến 14-11 với nhiều hoạt động thiết thực dành cho giảng viên, sinh viên.

Mở đầu chuỗi hoạt động là hội thảo Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong học tập, thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Tại đây, Tiến sĩ Lê Duy Tân, giảng viên khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Quốc tế), đồng sáng lập Lap AioT Việt Nam đã chia sẻ những thông tin hữu ích về ChatGPT.

Theo Tiến sĩ Tân, sự xuất hiện ChatGPT gây nhiều lo ngại đến hệ thống giáo dục như mất đi khả năng tư duy sáng tạo, khả năng thấu cảm, sai lệch kiến thức, mất an toàn thông tin, ảnh hưởng văn hóa đọc, thoái hóa trí tuệ con người.

Tuy vậy, sử dụng ChatGPT cũng đem lại nhiều lợi ích trong giáo dục như cá nhân hóa việc học, sử dụng đơn giản và thuận tiện, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ đánh giá.

Tiến sĩ Duy Tân cũng nhấn mạnh rằng bản chất của AI khó chính xác 100% mặc dù càng ngày được cải tiến hơn. Do đó, ChatGPT sẽ mang đến nhiều nguy cơ nếu như người dùng quá phụ thuộc hoặc lạm dụng vào nó.

Tiến sĩ Lê Duy Tân chia sẻ với sinh viên những thông tin hữu ích về sử dụng ChatGPT. Ảnh: P.ANH

Một khảo sát nhỏ ý kiến của những sinh viên có mặt tại đây về việc sử dụng ChatGPT, Tiến sĩ Duy Tân nhận thấy có đến 72% đã sử dụng ChatGPT nhưng chưa thành thạo, số sinh viên thành thạo ChatGPT chiếm 20,6%, còn lại là những em chưa sử dụng, xài ké của bạn bè, hoặc chỉ sử dụng khi bí ý tưởng

Do đó, để sinh viên hiểu đúng và vận dụng được ChatGPT trong nghiên cứu khoa học, học tập và định hướng việc làm, Tiến sĩ Duy Tân đã cùng với các thành viên trong nhóm của mình trực tiếp hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT.

Nội dung này được nhiều sinh viên bày tỏ sự thích thú, tò mò vì được tương tác trực tiếp với ChatGPT.

Sinh viên được hướng dẫn sử dụng ChatGPT. Ảnh: P.ANH
Sinh viên thực hành với ChatGPT. Ảnh: P.ANH

Bằng những ví dụ cụ thể, sinh viên đã được hướng dẫn những kỹ năng tương tác, trao đổi thông tin với ChatGPT để hỗ trợ cho học tập, như tổng hợp kiến thức, lên ý tưởng cho bài tập về nhà, trau dồi ngoại ngữ, kiểm tra chính tả…

Tuy nhiên, Tiến sĩ Duy Tân khuyên người dùng, nhất là sinh viên phải đủ bản lĩnh và kiến thức để nhận biết kết quả do ChatGPT mang lại là đúng hay sai, chỉ nên sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ học tập.

Sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho ChatGPT và không máy móc sử dụng dữ liệu của ChatGPT để thực hiện các luận văn, nghiên cứu vì sẽ vi phạm liêm chính học thuật.

Nói về việc tổ chức tuần lễ đổi mới sáng tạo năm nay, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho rằng xã hội đang ngày càng đặt ra nhiều thách thức mới, đòi hỏi người trẻ không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng, mà còn phải có khả năng thích ứng và phát triển kỹ năng mềm.

Trường mong muốn chuỗi hoạt động này sẽ khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong sinh viên, là cơ hội kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của trường với hệ sinh thái của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Thông qua các sản phẩm nghiên cứu, dự án khởi nghiệp tiêu biểu từ đội ngũ giảng viên, sinh viên, sinh viên được tiếp cận những kiến thức cơ bản về phát triển bền vững, trí tuệ cảm xúc, các kỹ năng số quan trọng... Từ đó hỗ trợ cho sự phát triển trong học tập và công việc sau này của các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới