Sáng 11-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức buổi họp mặt nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô năm 2024, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2024).
“Hồi đó chúng tôi trẻ và khờ khạo lắm”
Cuộc họp mặt giữa nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô diễn ra trong không gian thân mật, ấm cúng, với những cái ôm và cuộc trò chuyện ngắn ngủi. Có nhiều người tóc đã bạc trắng, chân chống gậy vẫn đến tham dự hay ngồi xe lăn vào hội trường.
Nhà giáo Trần Thị Vinh đi B năm 1965, chia sẻ: “Hồi đó tôi còn trẻ, mới 24 tuổi, được điều động vào chiến trường. Tới nơi, mỗi người một hướng, có người vào làm nhà giáo nội đô, có người qua thanh niên xung phong còn tôi trở thành phóng viên của Báo Quân giải phóng.
Tuy không được đào tạo nhưng theo yêu cầu của cấp trên, tôi đã mày mò và tự học hỏi. Sau giải phóng, tôi trở về công tác trong ngành giáo dục, lúc đó làm Phó Hiệu trưởng của Trường Gia Long (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ)” – bà Vinh nhớ lại.
“Được gặp lại nhau thấy vui nhưng hơi nghẹn ngào vì tuổi trẻ đã qua đi, sức khỏe suy yếu. Dẫu vậy, trong chúng tôi tình yêu đời và ước vọng vào tương lai luôn rực cháy– bà Vinh nói.
Tại buổi họp mặt, nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu nhớ lại giai đoạn khắc nghiệt của quá trình đi B.
“Đi B hồi đó khổ lắm. Chúng tôi khi đó còn trẻ, không có kinh nghiệm nên nhiều thứ khờ khạo lắm, không biết gì. Khi đoàn đến sông Nhật Lệ, còn bao nhiêu tiền, mọi người lấy ra tiêu xài vì mang vào rừng không dùng được.
Đoàn của tôi quyết định mua con gà trống và mái. Sau đó, mọi người xuống ô tô, leo lên núi. Vừa lên tới đỉnh, con gà kêu ầm ĩ trong khi máy bay địch đang càn quét trên bầu trời. Anh đội trưởng la chết tới nơi còn gà qué, trong khi tụi tôi cười với nhau vì chưa biết chết là gì.
Đi B vừa đói, khát lại hiểm nguy nhưng không ai có kinh nghiệm. Thấy máy bay địch tới thì cầm đèn pin khua lên trời, khi được nhắc nhở mới cho vào bụng, nấu cơm để khói bay mịt mù, bị bộ đội la quá trời vì sợ địch phát hiện.
Dù khổ, cực là vậy nhưng ai cũng quyết tâm vì miền Nam, vì nhớ lời Bác dạy nên vẫn hết mình đi vào nội đô, xây dựng cơ sở và hoạt động hiệu quả" - bà Thu xúc động kể.
Còn với bà Ngô Ngọc Dung, nhà giáo nội đô là một nỗi gian khổ khác.
"Chúng tôi hoạt động trong lòng địch. Ta và địch đan xen, sống như thế nào, giảng dạy cho học sinh ra sao, truyền tải tinh thần yêu nước cho các em không phải điều dễ dàng.
Để làm được điều đó, ngoài tâm huyết, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì sinh hoạt đơn tuyến, bị mất liên lạc. Đặc biệt, có những oan khiên các nhà giáo trong nội đô phải gánh chịu. Nhưng dù như thế nào, mọi người vẫn không nao núng tinh thần và hoàn thành nhiệm vụ” - bà Dung tâm sự.
Tri ân những người đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực thành ủy TP.HCM bày tỏ sự kính trọng và lòng tri ân sâu sắc đối với quý thầy cô - những người đã sống một thời hoa lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Ngày nay, nhắc đến cụm từ “nhà giáo đi B” hay “nhà giáo nội đô” nhiều người không hiểu, nhất là các bạn trẻ, nhưng đó là một thời đầy hy sinh gian khổ và hết sức vẻ vang.
Việc đi B hoàn toàn bí mật, do Ủy ban Thống nhất Trung ương quản lý và cán bộ đi B phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật và toàn bộ sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, thẻ Đoàn, ảnh gia đình, nhật ký.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”.
Còn nhà giáo nội đô không phải là người cầm súng chiến đấu mà là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam. Đây là lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch, một bộ phận tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các thầy cô trở về cuộc sống đời thường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không ngừng truyền đạt tri thức và kinh nghiệm quý báu