Đấy là điều mà bầu Đức nói rằng ông rất tự hào vì chưa ai làm bóng đá đầu tư cho cầu thủ trẻ mà lại cho đi nước ngoài thi đấu cùng lúc ba cầu thủ như ông.
Nhưng gần đây dư luận cứ xầm xì chuyện Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường thui chột khi ba tháng qua cứ bị nhốt hoài trên băng ghế dự bị của các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng cũng lo cho ba học trò cưng của ông ít cơ hội cọ xát thì sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch “săn” vàng Đông Nam Á của bóng đá Việt Nam.
Thực tế, đến thời điểm này, tức khoảng ba tháng kể từ khi bầu Đức gả con cho làm “dâu ngoại”, khi các cầu thủ này gia nhập Incheon Utd , Yokohama và Mito Hollyhock mà ba cầu thủ Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng chưa được ra sân là hoàn toàn có cái lý và đúng quy trình của bóng đá chuyên nghiệp ở Hàn Quốc với Nhật Bản. Nói một cách chính xác là cả ba cũng đã bắt đầu được HLV tung ra sân những phút cuối trận.
Xuân Trường (giữa) và Tuấn Anh (phải) cũng như Công Phượng cần phải rèn luyện nhiều mới đủ sức đá ở giải Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: XUÂN HUY
Dư luận cũng đừng nên nghĩ rằng ngôi sao của bóng đá Việt Nam thì qua Nhật Bản, Hàn Quốc cũng làm trùm và phải được ra sân thi đấu.
Ba cầu thủ bầu Đức trong đội hình đá V-League năm rồi mà còn bị các đội khác của Việt Nam quần tơi tả, lên bờ xuống ruộng cũng vì tuổi còn trẻ và sức lực chưa đạt đỉnh cao. Chính vì thế họ được cho ngồi dự bị cũng là một cách để rèn giũa mình trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp của hai quốc gia có nền bóng đá trong tốp đầu châu Á.
Ba cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường sang Nhật Bản mà không ngồi dự bị mới lạ. Vì nếu chiều lòng dư luận tại Việt Nam hay vì sớm làm thương hiệu mà các HLV Nhật Bản, Hàn Quốc tung các cầu thủ này vào thì hoàn toàn có thể phá hủy cả tương lai của họ.
Các CLB đấy cần phải biết thực lực của cầu thủ Việt Nam, cần phải trui rèn những cầu thủ này từ ghế dự bị và từ sân tập để họ thẩm thấu dần trước khi được ra sân.
Trên bình diện châu lục, cầu thủ Nhật Bản chỉ nhỉnh hơn về mặt thể hình so với các cầu thủ Đông Nam Á nhưng thua xa thể hình các cầu thủ Trung, Tây Á và Úc. Tuy nhiên, vì sao hai nền bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền bóng đá lực sĩ của châu Á và khi thi đấu họ thể hiện hay hơn, chững chạc hơn các đội Trung và Tây Á? Cụ thể là từ năm 1998 đến nay, Nhật Bản thường xuyên góp mặt World Cup. Còn ở Olympic thì Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay cũng hạng ba và tư thế giới. Mới đây hai đội U-23 của Nhật Bản và Hàn Quốc đều có suất đến Olympic Rio 2016 tại Brazil. Đó là nhờ khi ra đấu trường quốc tế, cả bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc đều khắc phục khiếm khuyết thể hình bằng việc bù đắp bằng sức mạnh, bằng độ bền, bằng tính đồng đội và cả bằng kỹ thuật.
Khi mà Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng đều chưa đủ sức lực đá V-League đúng nghĩa thể hiện qua mùa năm ngoái thì bước sang môi trường Nhật Bản, Hàn Quốc họ phải được rèn thật kỹ thay vì “ném” vào sân như kiểu “mì ăn liền” thì sẽ “đứt” ngay.
Cứ lấy chỉ số bóng trong cuộc hay bình quân số kilomet di chuyển của cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc rồi so với chỉ số ở V-League mới thấy được giải của họ khốc liệt và cần tích lũy như thế nào.
Vì thế mà không thể vội với những đứa con đi “làm dâu” của nhà bầu Đức được.