|
Toàn cảnh Giải bóng bàn nghiệp dư 2007. |
Giải bóng bàn nghiệp dư 2007 do Công ty tổ chức sự kiện ACME tổ chức từ ngày 27 đến 30-12 tại nhà thi đấu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với sự tham dự của trên 250 VĐV nghiệp dư thuộc 57 đội.
Có thể nói, đây là một sân chơi phong trào tuyệt vời khi thu hút đông đảo các tay vợt mê bóng bàn tham gia. Thậm chí, những tay vợt vang bóng một thời như cựu vô địch quốc gia Nguyễn Vinh Hiển, Trần Tuấn Anh B cũng dự giải dưới màu áo đội báo Lao Động. Độc đáo hơn, ở Hà Nội, 40 đội bóng với trên 200 tay vợt đã phải thi đấu vất vả để giành tám suất vào tham gia giải này.
Một giải như thế sao lại bị Sở TDTT TP.HCM cử ông phó chánh thanh tra là Nguyễn Thành Loan Mười xuống tận nơi để đòi đình chỉ?
Sân chơi trong mơ
Trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 2-12, chúng tôi đã có một bài viết giới thiệu về sự chuẩn bị ra đời của giải này. Nay xin tóm tắt lại ngắn gọn như sau: Những người đam mê bóng bàn ở VN đã lập ra một trang web mang tên bongban.org, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Một thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch: "Trước hết, tôi xin khoan nêu tên mình vì chuyện này tôi chỉ mới nghe từ một phía. Tôi sẽ yêu cầu ban giám đốc Sở TDTT TP.HCM báo cáo vụ việc này. Nếu thật sự đúng như phản ánh thì quả là không thể hình dung nổi. Nếu là một cán bộ có tấm lòng vì thể thao, có tinh thần trách nhiệm, nói thật là không cần phải để người ta tìm đến xin phép mình, mà mình phải tìm đến để giúp đỡ họ tổ chức giải. Việc nói rằng "giải này không có trong kế hoạch" là vô trách nhiệm, chứng tỏ quyền lực một cách phi lý. Cần phải biết rằng giải nằm trong kế hoạch của ngành là những giải đỉnh cao, có đẳng cấp; còn một giải thuần túy phong trào, việc gì phải nằm trong kế hoạch từ đầu năm?". |
Tháng 6-2007, những người yêu bóng bàn này đã tự đóng tiền để tổ chức một giải đấu tại Hà Nội (tổ chức ở nhà thi đấu Công an nhân dân) như đã nêu trên, thu hút hơn 200 tay vợt của 40 CLB tham gia. Và họ cũng đã qui định tám đội đứng đầu giải này sẽ vào Nam thi đấu giải từ ngày 27 đến 30-12.
Để chuẩn bị giải, anh Phạm Hoàng Hải - tay vợt từng đoạt hạng ba đồng đội Giải bóng bàn các CLB toàn quốc năm 2006 và hạng ba Giải đồng đội các CLB bóng bàn TP.HCM 2007, một trong những người khởi xướng giải - đã tìm đến Sở TDTT TP.HCM để hỏi thăm các thủ tục. Tại đây, bà Nguyễn Thị Lành - trưởng bộ môn bóng bàn - nói với anh: giải này không có trong kế hoạch của Sở TDTT và nếu tổ chức sẽ bị thanh tra, đình chỉ giải!
Sau đó, anh Hải cầm lá đơn (đơn đề ngày 26-11-2007) sang cầu cứu ông Nguyễn Trọng Trúc - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM. Ông Trúc chỉ ghi vắn tắt vào lá đơn là "Đã nhận ngày 29-11-2007". Ngoài ra, ông Trúc còn hướng dẫn anh Hải nên tìm một công ty có tư cách pháp nhân để đứng ra tổ chức. Theo lời ông Trúc, anh Hải đã đi thuê Công ty ACME tổ chức giải này.
Thế nhưng khi giải bước sang ngày thi thứ hai thì chiều 28-12, đoàn kiểm tra của Sở TDTT TP.HCM đã có mặt để "kiểm tra các chính sách hoạt động theo qui định của pháp luật đối với giải bóng bàn diễn đàn 2007 tổ chức tại nhà thi đấu Trường ĐH Sư phạm" và yêu cầu đình chỉ giải này.
"Áo mặc sao qua khỏi đầu"
|
Đại diện của đoàn thanh tra Sở TDTT TP.HCM đọc quyết định thanh tra. |
Ngay sau đó, chúng tôi đã gọi điện cho ông Nguyễn Hùng - phó giám đốc Sở TDTT TP.HCM, người ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Nội dung cuộc trao đổi với ông Hùng như sau:
* Xin ông cho biết lý do giải bị đình chỉ?
- Ông Nguyễn Hùng: Căn cứ theo báo cáo và đề xuất của trưởng bộ môn bóng bàn (bà Nguyễn Thị Lành) về việc giải này tổ chức mà không xin phép Sở TDTT, lãnh đạo sở đã quyết định như vậy. Hiện nay, chúng tôi đang chờ ban tổ chức giải nộp đơn xin phép và khi ấy sẽ xem xét. Ngày mai, nhà báo liên lạc với chúng tôi sẽ được trả lời cụ thể hơn.
* Thưa ông, ông có biết việc đại diện ban tổ chức đã gặp bà Lành nhưng được trả lời rằng giải này không có trong kế hoạch tổ chức của Sở TDTT?
- Chuyện này thì phải để tôi hỏi lại cô Lành. À, có cô Lành đây rồi. Lành ơi, trả lời báo chí này... (im lặng một lúc). Thôi sáng mai đi, gặp nhau nói cụ thể hơn.
* Thưa ông, tại hội nghị toàn quốc sơ kết thực hiện nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sáng 17-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng việc xã hội hóa trong các lĩnh vực phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng cả về vật chất và trí tuệ và chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Với tư cách một người lãnh đạo ngành thể thao của TP.HCM, ông có thấy rằng chính sự lạnh lùng, quan liêu của cán bộ ngành, như trong trường hợp này, đã làm cản trở việc xã hội hóa thể thao không?
- Thế anh có biết trên diễn đàn bóng bàn này người ta nói xấu cán bộ ngành thể thao thế nào không? Nhưng mà thôi, bây giờ tôi không nói gì nữa đâu, muốn gì ngày mai gặp trao đổi.
Tiếp đến, chúng tôi liên tục gọi điện cho bà Lành nhưng chuông reo mà không bắt máy. Chạy sang Sở TDTT ở số 3 Phan Văn Đạt, nơi đây cho biết bà Lành đã đi về.
Chúng tôi xin mượn lời ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - nhận xét về việc xã hội hóa thể thao ở VN bị chậm chạp là vì "Đại đa số cán bộ, lãnh đạo ngành thể thao muốn thể hiện quyền lực, chứng tỏ việc "áo mặc sao qua khỏi đầu". Tất cả đã đặt mình đứng trên phong trào, trên xã hội. Muốn làm cái gì cũng phải xin - cho".
Ý kiến người trong cuộc * Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Hiệp: "Muốn tổ chức thì phải đúng luật. Chúng tôi có hướng dẫn đầy đủ mà họ không làm theo". * Ông Nguyễn Thành Loan Mười (phó chánh thanh tra Sở TDTT TP.HCM): "Việc đoàn thanh tra Sở TDTT TP.HCM bất ngờ có mặt tại giải đấu này là chuyện chẳng đặng đừng. Tuy nhiên với chức năng của mình chúng tôi bắt buộc phải làm như vậy. Xin những người tham dự giải thông cảm, chúng tôi làm công việc này là theo đề nghị của bộ môn bóng bàn TP.HCM, đồng thời thực thi theo quyết định của ban giám đốc Sở TDTT TP.HCM". * Ông Trần Trường Sơn (trưởng khoa giáo dục thể chất - chủ nhiệm nhà thi đấu ĐH Sư phạm TP.HCM): "Từ ngày xây dựng nhà thi đấu đến nay, đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ thanh tra liên quan đến việc tổ chức giải! Theo tôi, khi Nhà nước đã hô hào kêu gọi xã hội hóa thể thao, thì việc có một giải đấu qui mô và chuyên nghiệp như thế này lẽ ra những cán bộ bóng bàn TP.HCM nên mừng, còn đằng này họ làm một công việc ngược lại". * Ông Mai Văn Quang (ba của tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang): "Cảm giác của tôi là phẫn nộ và buồn. Thật không thể tưởng tượng được khi bộ môn bóng bàn TP.HCM làm những chuyện đi ngược lại xu hướng phát triển của việc xã hội hóa thể thao như vậy. Ngoài ra, tôi cũng buồn cho tương lai bóng bàn TP.HCM, buồn cho ngành thể thao TP.HCM vì có những cán bộ vô tâm như thế". * Ông Nguyễn Vinh Hiển (cựu vô địch VN): "Với những gì diễn ra trong hai ngày thi đấu đầu tiên, ban tổ chức giải đã tạo được một sân chơi trên cả tuyệt vời cho những VĐV phong trào. Ngay trong lần tổ chức đầu tiên mà giải thu hút hơn 200 VĐV đủ mọi thành phần tham gia, theo tôi, ngay cả Liên đoàn Bóng bàn VN, Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM cũng không thể làm được. Ở góc độ nhà quản lý thể thao trước sự kiện đáng mừng này, lẽ ra bộ môn bóng bàn TP.HCM, Sở TDTT TP.HCM phải hợp tác, động viên, vậy mà... Chưa kể, báo Tuổi Trẻ, Lao Động đăng nhiều thông tin về giải này, họ quá biết, nhưng đợi đến ngày thứ hai mới xuống đòi đình chỉ giải. Tôi thật sự bất bình!". |
NHÓM PV THỂ THAO - (Theo Tuổi Trẻ)