Tối 12-9, Sở Y tế TP.HCM thông tin vừa ban hành văn bản đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tại khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao, Công ty TNHH Phát triển Phần mềm Quang Trung tăng cường phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc.
Theo Sở Y tế, qua số liệu giám sát từ đầu năm 2023 đến nay, số ca bệnh đau mắt đỏ tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo ngại nhất là do virus, thường gặp là Adenovirus, có thể lây lan trong cộng đồng.
Nhằm chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong các KCX-KCN, khu công nghệ cao, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế lây lan trong cộng đồng, Sở Y tế TP.HCM đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc. Cụ thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
Bệnh nhân khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Chuyên gia y tế cho biết để chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay; Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về; Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám.
Với người đã mắc bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh. Nên đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm 2023 đến ngày 31-8, tổng số ca bệnh đau mắt đỏ ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 (53.573 ca). Trong đó có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh).
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong đó, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).