Từ ngày đầu tiên của năm 2017, Cục Điện ảnh Việt Nam thực hiện việc dán nhãn phim theo độ tuổi với bốn cấp độ: Phổ biến cho mọi đối tượng (P), cấm khán giả dưới 13 tuổi (C13), cấm khán giả dưới 16 tuổi (C16) và cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18).
Phim Việt được bạo tay hơn
Trong tháng đầu thực hiện, việc phân loại phim theo độ tuổi khán giả đã gây ra nhiều bất cập; trong đó lớn nhất là việc phản ứng của nhiều nhà sản xuất, phát hành ở việc hội đồng thẩm định dán nhãn chưa chuẩn. Ví dụ trong dịp Tết Nguyên đán, khi bộ phim Chạy đi rồi tính không đến mức phải dán nhãn C16 nhưng vẫn bị dính nhãn này; các phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu, Nàng tiên có 5 nhà chưa đến mức bị dán nhãn C13 nếu so sánh với bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 lại được nhận nhãn P. Hay cũng có những băn khoăn sau khi đã có nhãn tại sao hội đồng kiểm duyệt vẫn cắt những cảnh nóng hoặc bạo lực…
Tuy nhiên, sau hơn hai tháng, mọi vấn đề xung quanh nhãn dán, kiểm duyệt… đã có phần được trật tự hơn. Các nhà sản xuất, phát hành đều đồng ý việc có phân loại phim theo độ tuổi như thế bởi sẽ giúp nhà sản xuất lẫn duyệt phim dần đi đến quy chuẩn. Với phim Việt, hầu hết các nhà làm phim cho rằng việc dán nhãn giúp họ nhiều hơn. Đơn cử như bộ phim Việt đầu tiên dán nhãn C18 kể từ đầu năm đến nay là Hot boy nổi loạn 2. Chính việc dán nhãn đã giúp đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và nhà sản xuất Lương Mạnh Hải mạnh tay hơn với một số cảnh bạo lực hay cảnh nóng. “Việc dán nhãn C18 phim Hot boy nổi loạn 2 theo tôi là hợp lý vì có nhãn tôi mới dám làm bạo tay như vậy. Khi thực hiện phim này trong đầu tôi cũng đã hướng đến đối tượng khán giả của mình phải 18 tuổi trở lên bởi phần 1 của phim cũng đã cấm trẻ em dưới 16 tuổi” - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết.
Tuy nhiên, với Hot boy nổi loạn 2, dù dán nhãn C18 nhưng vẫn có hai cảnh bị cắt bỏ và phim phải chỉnh sửa. Một cảnh trong đó là diễn hài hơi không có duyên và hội đồng thẩm định đã góp ý để đạo diễn chỉnh sửa; thứ đến là cảnh nhân vật chính bị chôn sống, bị vùi dưới đất cát. Với cảnh chôn sống này, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khẳng định chính anh là người cắt cảnh này. “Lúc quay tôi cũng nghĩ cảnh này sẽ rất ấn tượng với khán giả. Nhưng khi dựng phim thì tôi thấy nó không phù hợp với mạch chuyện. Nó không làm khán giả day dứt nhiều bằng cái kết hiện tại. Vì vậy tôi cắt ra khỏi phim” - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói.
Phim Cô gái trên tàu là một trong những phim C18 không bị cắt.
Phim nhập cởi mở với cảnh nóng, bạo lực
Trước Hoy boy nổi loạn 2, với phân loại phim theo độ tuổi kiểu cũ chỉ có loại phổ biến và loại trên 16 tuổi được xem đã khiến không ít phim Việt phải chỉnh sửa hoặc “đắp chiếu” khỏi ra rạp vì cảnh nóng, bạo lực: Đường đua, Bẫy cấp ba, Rừng xác sống, Bụi đời Chợ Lớn, Nữ đại gia…
Cùng với phim Việt, phim nhập cũng được cởi mở hơn với C18. Bởi nếu theo phân loại cũ, chỉ tính trong năm 2016, theo lời bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim Quốc gia thì đã có 30 phim không qua được ải kiểm duyệt với cảnh nóng và bạo lực. Hoặc nếu cho phép phát hành thì cảnh bạo lực, cảnh nóng hầu hết bị cắt trụi. Ngay trong tháng đầu tiên áp dụng dán nhãn mới, những phim có nhiều cảnh bạo lực, tình dục: Fifty Shades Darker - 50 sắc thái: Đen, John Wick: Chapter 2, Rings và Resident Evil: The Final Chapter đã ra rạp được nhưng bị lược bỏ khá nhiều. Nhưng từ trong tháng thứ hai áp dụng, rất nhiều phim nhập dán nhãn C18 với bản không cắt. Điều này giúp nhiều bộ phim thuộc dòng phim nghệ thuật từ các liên hoan phim danh tiếng trên thế giới dán nhãn 18+ đến với khán giả. Nổi bật như các phim: Personal Shopper (Trợ lý thời trang), Nocturnal Animals (Kẻ săn đêm), The Birth of a Nation (Sự ra đời của một quốc gia vĩ đại), American Honey (Phiêu du), Christine... Trong đó phim Personal Shopper, The Girl On The Train (Cô gái trên tàu)… đến với khán giả Việt được giữ trọn vẹn các cảnh nóng so với phiên bản gốc.
Thực tế, đòi hỏi phim C18 như phân loại Việt Nam được phép hoàn toàn giữ nguyên bản không cắt những cảnh bạo lực, tình dục, kinh dị… như phim gốc tại các nước là điều khó thực hiện. Bởi việc phân loại độ tuổi phim không đơn thuần chỉ là tuổi trên CMND mà còn phụ thuộc các yếu tố văn hóa khác. Thế nên thực tế vẫn có những phim dù NC-17 (cấm trẻ em dưới 17 tuổi) với Mỹ nhưng vẫn có thể xếp vào loại Giới hạn (lưu lành nội bộ ở một số rạp đặc biệt, không được phép chiếu cho công chúng) tại nền điện ảnh Hàn Quốc, hay tương tự vậy tại Việt Nam.
Phim dán C18 cấm gì? Tại Việt Nam, phim C18 cấm các cảnh phim tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh đến người xem; cấm các hình ảnh khỏa thân toàn phần hoặc cảnh miêu tả chi tiết bộ phận sinh dục cũng như hoạt động tình dục; cảnh miêu tả chi tiết việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. |