Sớm đón học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đi học lại

(PLO)- Để Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tiếp tục hoạt động cần kinh phí lên đến 125 tỉ đồng, hiện tài khoản đã được mở để nhận đóng góp từ phụ huynh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-4, thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết căn cứ vào kết quả buổi họp chiều 30-3, sở đã phối hợp cùng ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) và ngân hàng thực hiện mở tài khoản để tiếp nhận kinh phí.

Đã lập tài khoản để nhận đóng góp từ phụ huynh

Trước đó, tổ công tác liên ngành bao gồm Sở GD&ĐT, Công an TP.HCM, UBND huyện Nhà Bè đã tổ chức buổi gặp gỡ, làm việc với cha mẹ HS và Hội đồng AISVN để cùng tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

Tại buổi họp, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam báo cáo mất khả năng tài chính, không thể chi trả lương cho giáo viên (GV) và duy trì hoạt động dạy học. Do đó, chủ tịch hội đồng trường kêu gọi phụ huynh đóng thêm 125 tỉ đồng để có tiền trả nợ lương GV và vận hành đến hết tháng 6-2024.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Mức hỗ trợ đề nghị phụ huynh theo tháng là 9,5 triệu đồng ở bậc mầm non; tiểu học là 14,5 triệu đồng; từ lớp 6 đến lớp 8 là 20,5 triệu đồng; từ lớp 9 đến lớp 12 là 25,5 triệu đồng.

Theo đó, đồng chủ tài khoản gồm ba bên là đại diện Sở GD&ĐT TP, đại diện trường và ban đại diện cha mẹ HS. Tất cả khoản đóng góp sẽ được tổ công tác liên ngành tổng hợp, quản lý, công khai, minh bạch. Số tiền đóng góp sẽ do bộ phận chuyên môn của tổ liên ngành duyệt chi đúng mục đích dưới sự giám sát của ban đại diện cha mẹ HS trường.

Gần 85% học sinh muốn tiếp tục học tại trường

Việc trước mắt cần làm là để HS trở lại học tập bình thường. Trong tình hình hiện nay thì phương án phụ huynh đóng tiền tiếp là hợp lý, bởi nếu chuyển trường thì phụ huynh cũng phải nộp học phí ở trường mới.

Trong khi đó, theo khảo sát của trường vào ngày 29-3, gần 85% phụ huynh muốn con em mình tiếp tục học tại trường. Hơn nữa, nhiều GV đã không được trả lương trong thời gian dài, nhiều người đau ốm không thể đi khám vì nợ bảo hiểm. Nếu không giải quyết ngay, nhiều GV người nước ngoài sẽ về nước.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Sở GD&ĐT TP cũng đề nghị trường tổng hợp danh sách phụ huynh đồng thuận tham gia đóng góp kinh phí để HS tiếp tục học tập từ đầu tháng 4 cho đến hết năm học. Danh sách phụ huynh chưa đồng thuận, có nguyện vọng chuyển trường cho con trên địa bàn TP để sở giải quyết. Đối với những phụ huynh chưa có ý kiến, đề nghị trường liên hệ, cập nhật thông tin.

Cạnh đó, các phòng chuyên môn thuộc sở sẽ phối hợp với trường tổ chức buổi họp cùng toàn thể GV của trường. Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam hiện có 129 GV người nước ngoài, 26 GV người Việt Nam và 103 nhân viên. Các GV bị nợ lương tháng 2, riêng GV người nước ngoài còn bị nợ thêm 30% lương tháng 1.

Trước mắt ổn định việc học của học sinh

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên đánh giá nếu AISVN đạt được đồng thuận với phụ huynh thì phụ huynh sẽ tiếp tục đóng góp để bảo trợ việc học cho con em mình đến hết năm học 2023-2024. Đặc biệt, quá trình triển khai có sự giám sát của các cơ quan chức năng sẽ là phương án tốt để giảm thiểu thiệt hại cho các bên, đồng thời đạt mục tiêu trước mắt là ổn định việc học cho HS.

Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng cần phải làm rõ số tiền phụ huynh đóng góp thêm này là khoản tài trợ không hoàn lại hay khoản góp vốn tiếp theo. Bởi trong hoàn cảnh hiện tại, AISVN không có quyền tiếp tục huy động thêm vốn, trừ khi kế hoạch đó được cơ quan chức năng phê duyệt và kiểm soát.

Về phương án dài hạn, nếu trường muốn phụ huynh trở thành cổ đông thì phải thực hiện theo quy trình chuyển đổi thành công ty cổ phần. Song trước khi làm như vậy cần phải có kết quả thanh tra hoặc kiểm toán độc lập đáng tin cậy về hoạt động và tài chính của trường.

Cũng theo ông Nguyên, khoản tiền cho trường vay là của phụ huynh, do vậy phụ huynh có quyền quyết định: Xóa nợ cho trường, cho trả nợ chậm, yêu cầu trường làm thủ tục phá sản để bán tài sản còn lại trả nợ, kiện ra tòa đòi bồi thường hoặc tố cáo sai phạm của trường dẫn đến thất thoát học phí của HS.

“Quan trọng nhất là ý kiến đồng thuận của nhóm phụ huynh có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến hợp đồng trả học phí trước. Với các phụ huynh không tham gia đầu tư, họ chỉ có quyền đòi lại học phí đã đóng cho năm học hiện tại và có thể chuyển trường cho con nếu có nhu cầu” - ông Nguyên nói thêm.

Vì đâu AISVN lâm vào tình cảnh này?

Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế AIS (chủ đầu tư của AISVN) cho biết tạm thời mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến việc chậm trả lương cho GV và chậm hoàn tiền cho cha mẹ HS với hợp đồng hợp tác đầu tư. Lý do là công ty đã đầu tư lớn cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị từ vốn của chủ đầu tư và nguồn vốn huy động của phụ huynh.

Nhiều năm qua, AISVN chi kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đóng các chi phí chương trình tú tài quốc tế (IB) mà không thu bù từ phụ huynh; chi phí lớn cho hoạt động của tuyến xe buýt dài hạn miễn phí đưa đón HS. Hơn nữa, mức học phí của trường chỉ vừa đủ hoặc không đủ chi phí cho mỗi HS khi số lượng tuyển sinh hằng năm chưa đạt một nửa.

Ngoài ra, trong năm 2022 và 2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao, dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nguồn thu giảm mạnh, trong khi gần như chi phí không đổi nhưng công ty hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư khác ngoài giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm