Chiều 30-3, tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam diễn ra cuộc họp giữa các cơ quan chức năng với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch hội đồng trường cùng phụ huynh trường.
14 giờ hội trường gần như chật kín.
Cần huy động khoảng 125 tỉ đồng
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hôm qua (29-3), Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (chủ đầu tư của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam) đã có tờ trình báo cáo về việc tái cơ cấu công ty để tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của trường.
Theo đó, công ty cần huy động sớm nhất nguồn vốn ngắn hạn đủ để vận hành ổn định đến hết năm 2023-2024 cho các em học sinh, trong đó ưu tiên nguồn tiền trang trải kinh tế trả lương bảo hiểm, nhà ở cho giáo viên nước ngoài để ổn định việc giảng dạy.
Với phương án ngắn hạn dự chi khoảng 125 tỉ đồng.
Trong đó, tổng nợ chi lương, vận hành của trường cụ thể một phần còn lại của tháng 1,2,3 của năm 2024 hiện này là 48 tỉ đồng.
Tổng dự tính chi phí vận hành của trường từ tháng 4 đến tháng 6-2024 sau khi cắt giảm các chi phí phù hợp là 77 tỉ đồng.
Như vậy dự kiến khoản thu là 121 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thu bổ sung vốn lưu động chủ đầu tư 4 tỉ đồng.
Và theo trường, khoản tiền này sẽ nhờ vào sự đóng góp của phụ huynh. Do đó, trường thuyết phục phụ huynh chi phí IB nâng cao, phí xe buýt, phí cơ sở vật chất, học phí thường niên, học phí trọn khoá là 47 tỉ đồng. Đồng thời, thuyết phục phụ huynh hỗ trợ thu bù mức học phí bình quân theo mức giá học phí niêm yết 3 tháng bởi thực tế hiện nay trường đang thu thấp hơn mức giá niêm yết.
Chủ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam xin lỗi phụ huynh
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường chân thành gửi lời xin lỗi đến quý phụ huynh vì những lùm xùm vừa qua.
Nói về phương án để giải quyết tình hình của trường hiện nay, bà Út Em dự kiến kinh phí để duy trì dạy học từ 1-4 đến hết năm là 125 tỉ đồng. Bà mong nhận được sự đóng góp từ phụ huynh.
Mức hỗ trợ bà đề nghị phụ huynh là 9,5 triệu đồng ở bậc mầm non, tiểu học 14,5 triệu, khối 6-8 là 20,5 triệu mỗi tháng. Từ khối 9 tới 12 là 22,5 triệu đồng.
"Phụ huynh có thể cử đại diện, cùng các ban ngành giám sát xem có tiết giảm được thêm chi phí nào không?" - bà Út Em nói.
Còn về phương án dài hạn, chủ trương của trường chào đón tất cả các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và khả năng tham gia vào việc chuyển nhượng, ưu tiên cho phụ huynh hiện đang có con em đang theo học tại trường.
Một phụ huynh đồng tình với giải pháp trường đưa ra nhưng họ yêu cầu phải nắm rõ tình hình tài chính của trường.
“Thông tin trường đang nợ 3.000 tỉ đồng như thế nào?. Phải rõ ràng mọi vấn đề về tài chính để phụ huynh đóng góp. Nếu không nắm rõ sẽ có suy nghĩ chuyển trường cho con thay vì đầu tư” - vị này đặt câu hỏi.
Chủ trường không đề cập số nợ nhưng đề nghị phụ huynh yên tâm vì khi cổ phần hoá trường, các cơ quan chức năng sẽ xác định giá trị.
Một phụ huynh băn khoăn liệu số tiền đóng có đủ vận hành, trả lương giáo viên không, những gia đình từng hỗ trợ trường trước đây có cần đóng nữa không?
Ông Hiếu cho rằng 125 tỉ là tính toán sơ bộ của trường. Nếu đóng góp, phụ huynh sẽ là người giám sát quỹ này, cơ quan chức năng sẽ cử tổ giám sát hỗ trợ.
“Theo khảo sát mà trường thực hiện hôm 29-3, gần 85% phụ huynh muốn con tiếp tục học tại trường. Do đó trong tình thế hiện nay, phương án trên là hợp lý. Bởi nhiều giáo viên đã không được trả lương trong thời gian dài. Nhiều người đau ốm không thể đi khám vì nợ bảo hiểm. Nếu không giải quyết ngay, họ sẽ về nước” - ông Hiếu nói.
Sau các ý kiến, các cơ quan chức năng đề nghị biểu quyết số người đồng ý với phương án trên. Phần lớn phụ huynh tham dự đều đồng thuận.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị mọi việc phải thực hiện gấp rút, bởi nay cuối tuần rồi để thứ 2 họ sẽ làm việc với giáo viên. Thời gian rất gấp rút, cơ quan chức năng đề xuất phụ huynh cử người, tốt nhất là có nghiệp vụ tài chính, để cùng quản lý số tiền.
Ngày 18-3, toàn bộ học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam phải nghỉ học do phần lớn giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương.
Ngày 20-3, số giáo viên nghỉ việc lên đến 85 người. Nhiều phụ huynh mắc kẹt vì đã đóng học phí theo gói hàng tỉ đồng, mà chuyển trường khi học kỳ II sắp kết thúc không dễ.