Đó là một trong số các nội dung được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Tổng cục Thủy lợi) thông tin tại hội thảo đánh giá mức độ ảnh hưởng của mực nước sông Hồng, sáng 22-3.
Theo đó, khoảng hơn 10 năm gần đây, dòng chảy hệ thống sông Hồng đều ở mức thấp, không bảo đảm cho các công trình thủy lợi lấy nước. Các trạm bơm trên sông Hồng khó vận hành, không phát huy được hiệu quả phục vụ nông nghiệp. Có hai nguyên nhân dẫn đến việc mực nước sông Hồng bị hạ thấp, đó là sự xói lở lòng sông do ảnh hưởng từ các hồ chứa lớn ở Hòa Bình, Thác Bà (Tuyên Quang) và tình trạng khai thác cát.
Về tình trạng khai thác cát, việc khai thác hằng năm khoảng 33 triệu m3 khiến cho lòng sông Hồng bị hạ thấp, mực nước ngày càng xuống thấp.
Chuyên gia mạng lưới sông ngòi Đào Trọng Tứ cho rằng để khắc phục tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hông cần khẩn trương xây dựng mới hoặc cải tạo các trạm bơm dã chiến để hoạt động có hiệu quả trong công tác cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Nguyên Viện Phó Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Trương Đình Dụ cũng góp ý kiến các cơ quan chuyên môn cần xác định xói lở đáy sông và mức độ khai thác cát thật cụ thể. Trên cơ sở đó các nhà khoa học mới có thể đưa ra chính xác các phương án hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp nhất trong thời gian qua.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định: “Mực nước sông Hồng hạ thấp trong những năm qua đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, giao thông, môi trường và mọi sinh hoạt của nhân dân thủ đô. Do vậy, các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát lại số liệu cụ thể xói lở và tình hình khai thác cát để báo cáo Chính phủ, Bộ NN&PTNT”.