Sống lại nhờ ghép tim

Sau nửa tháng được ghép tim nhân tạo bán phần, anh Hoàng Quốc Biên (39 tuổi, ngư dân, ngụ tỉnh Quảng Bình) đã có thể tự chăm sóc bản thân và sinh hoạt bình thường.

Cầm cố đất đai để chữa bệnh

Ngày 21-6, chúng tôi trở lại BV Trung ương Huế gặp anh Biên. Trông anh đã khỏe như người bình thường, đôi mắt tươi cười, khác với hôm lên bàn mổ  6-6. Trong niềm vui, anh Biên cho biết anh có một vợ ba con, kinh tế gia đình rất khó khăn. Vợ anh thường xuyên đau ốm, ba đứa con còn quá nhỏ nên mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào nghề đi biển của anh. “Ngày nào tôi cùng phải theo ghe ra biển đánh cá. Chuyến đi may mắn tôi kiếm được vài ký cá bán mua gạo cho gia đình, rủi chỉ được vài con đưa về nhà ăn thay cơm…” - anh Biên nói.

Năm 2012, trong lúc đi biển anh Biên bị một cơn đau tim và lịm đi. Bạn nghề đưa anh vào bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh bị bệnh tim nặng. Từ đó những chuyến đi biển của anh cũng giảm hẳn. Cuộc sống gia đình ngày càng cơ cực vì ngoài miếng ăn còn phải kiếm tiền chữa bệnh. “Thời điểm đó tôi chưa có bảo hiểm, đất đai phải cầm cố dần để chữa trị” - anh Biên cho biết. Bệnh tình của anh Biên ngày càng nặng thêm. “Bác sĩ cho biết cuộc sống của tôi chỉ còn tính bằng tháng. Biết vậy, đêm nào nằm ngủ nước mắt tôi cũng trào ra. Nghĩ thương vợ con quá, không biết rồi đây ai sẽ đỡ đần chăm sóc các con” - anh Biên bùi ngùi nhớ lại.

Các bác sĩ BV Trung ương Huế tiến hành ghép tim nhân tạo bán phần. (Ảnh do GS-TS Bùi Đức Phú cung cấp)

Cơ hội cuối cùng

Từ đó, anh Biên trở thành bệnh nhân thường xuyên của BV Trung ương Huế. Một hôm, các bác sĩ cho biết sắp có chương trình ghép tim nhân tạo để kéo dài sự sống. “Vừa nghe tôi rất vui và khao khát được sống đến kỳ lạ” - anh Biên kể. Hôm làm các thủ tục xin được mổ theo chương trình, các bác sĩ cho biết không chỉ tôi mà còn nhiều bệnh nhân khác cũng đăng ký và cơ hội được ghép tim nhân tạo chia đều cho mỗi người. “Nhưng tôi vẫn hy vọng và may mắn thay, sau khi khám sàng lọc tôi may mắn được chọn. Đêm đó tôi không ngủ được vì quá sung sướng” - anh Biên kể.

Ngày lên bàn mổ, anh Biên được các bác sĩ động viên nên rất tự tin. Đây là cơ hội cuối cùng để anh được sống tiếp và bản thân cũng không còn sự lựa chọn nào khác hơn. Thế rồi ca mổ được tiến hành. “Lúc tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi thấy hạnh phúc vô cùng vì biết mình đã sống. Giờ sức khỏe tôi đã tốt hơn, ăn được mỗi buổi ba bát cơm. Có được như ngày hôm nay tôi rất biết ơn các bác sĩ” - anh Biên nói.

Bệnh nhân Hoàng Quốc Biên trước khi phẫu thuật. Ảnh: VIẾT LONG

Không được phép thất bại

Anh Hoàng Quốc Biên mắc bệnh cơ tim dãn giai đoạn cuối. Khả năng bệnh nhân tử vong trong thời gian vài tháng đã được dự liệu. Ngày 6-6, đội ngũ bác sĩ BV Trung ương Huế với sự hỗ trợ của chuyên gia BV Saint Vincent (Úc) đã tiến hành ca ghép tim nhân tạo bán phần cho anh Biên. Ca phẫu thuật kéo dài năm giờ liền. Sau phẫu thuật, quả tim của bệnh nhân Biên co bóp tốt.

GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, người chủ trì ca ghép tim nhân tạo, cho biết với nguồn hiến tạng rất hiếm như hiện nay thì việc ghép tim nhân tạo bán phần là giải pháp hỗ trợ tim để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Ca ghép tim nhân tạo bán phần này có khoảng 50 người tham gia. Theo GS Phú, trước khi bước vào ca ghép tim nhân tạo bán phần bệnh viện đã gặp một số khó khăn. “Cụ thể là kỹ thuật mới có tính công nghệ hiện đại lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, đòi hỏi chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Đặc biệt ca ghép không được phép thất bại nên đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối trong thao tác phẫu thuật cấy tim nhân tạo. Ngoài ra, chi phí mua tim nhân tạo rất đắt cũng là một khó khăn lớn…

Cũng theo GS-TS Phú, sau khi cấy tim nhân tạo bán phần, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ uống thuốc chống đông máu để dự phòng tắc mạch. Việc ghép tim nhân tạo bán phần giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống cải thiện, làm giảm rất nhiều gánh nặng trong điều trị thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân không phải nằm lại bệnh viện.

GS-TS Phú cho biết chi phí để mua tim nhân tạo bán phần rất đắt đỏ. BV Trung ương Huế thực hiện ca đầu tiên cấy ghép tim nhân tạo bán phần trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước nên không tính chi phí. Nhưng trong tương lai, ông hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách để hỗ trợ phát triển nhiều hơn các ca cấy ghép tim nhân tạo. Chắc chắn lúc đó giá thành sẽ giảm xuống và bệnh nhân Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn.

VIẾT LONG

Kỹ thuật ghép tim nhân tạo bán phần (heartware) là gắn  thiết bị nhân tạo vào tim người bệnh nhằm hỗ trợ chức năng cho một phần quả tim (tâm thất trái hoặc tâm thất phải) đang bị suy yếu. Khác với cấy tim nhân tạo toàn phần là phải cắt bỏ tim bệnh nhân rồi cấy vào đó quả tim nhân tạo có đầy đủ chức năng của tim, đối với tim nhân tạo bán phần, nguồn điện cung cấp từ bên ngoài tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm. Nó sẽ hỗ trợ sức đẩy dòng máu, bơm máu lưu chuyển qua hệ tuần hoàn của người bệnh.

Hiện nay, số người được ghép tim nhân tạo bán phần ở Mỹ lên tới hàng ngàn ca mỗi năm. Ở châu Á, Nhật, kỹ thuật này phát triển với gần 200 ca/năm. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á còn ít, trong đó năm 2013 Singapore thực hiện 12 ca, Malaysia thực hiện bốn ca.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm