Sống trong sợ hãi, nhà nhà tìm cách phòng chống sởi cho trẻ

Sống trong sợ hãi, nhà nhà tìm cách phòng chống sởi cho trẻ ảnh 1Theo các chuyên gia về dịch tễ, tiêm chủng là cách dự phòng bệnh sởi tốt nhất. (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia về dịch tễ phân tích, thực tế, bệnh sởi không có gì đáng lo sợ. Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định bệnh sởi là một bệnh nhẹ, thuộc nhóm B trong các bệnh truyền nhiễm, người dân không nên quá lo lắng.

Tấp nập đi tiêm chủng


Trước thông tin về số lượng trẻ mắc bệnh sởi có tỷ lệ tử vong cao và bất thường, rất nhiều bậc phụ huynh, người già đều lo lắng tìm ra cách thức để bảo vệ trẻ nhỏ và người lớn.

Hai ngày trở lại đây, các điểm tiêm chủng tại Hà Nội như phòng tiêm tại Hàng Bài, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội, điểm tiêm tại Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhộn nhịp hẳn lên.

Dắt tay em bé 13 tháng tuổi đang chập chững bước đi tại phòng theo dõi sau tiêm 30 phút, chị Hoài An (ở khu Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, quả thực thời gian gần đây chị chưa cho con đi tiêm phòng được một phần là do con hay ốm, phần nữa là do nghi ngại chất lượng tiêm chủng.

Tuy nhiên, sau một loạt những ca tử vong đau lòng do bệnh sởi gây ra khiến chị đã phải suy nghĩ lại và quyết định đưa con đi tiêm để dự phòng.

Đề cập đến bệnh sởi, chị Nguyễn Thị Hòa (38) tuổi, ở Phúc Tân, Ba Đình, cho hay bé nhà chị đang bị sốt chị cũng thấy lo lắng không biết liệu có phải bé bị sởi hay không.

Chị đã nghe thông tin rất nhiều bệnh nhi tử vong là do lây chéo bệnh của nhau tại viện, nên lần này chị không cho con tới bệnh viện nữa mà gọi bác sỹ gia đình đến nhà khám cho an toàn.

“Nhỡ đâu bé chỉ bị sốt phát ban, chứ không phải sởi. Mình lo lắng quá, nếu cho con vào bệnh viện tuyến cuối có khi không có bệnh sởi cũng thành ra lây bệnh đó. Nên cứ cho bé ở nhà chữa trị là cách an toàn nhất,” chị Lan thành thật chia sẻ.

Để phòng tránh bệnh sởi, một phương thức được rất nhiều bà mẹ áp dụng đó là việc dùng lá mùi, hạt mùi tắm cho các bé.

Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết người dân dùng cách thức tắm bằng lá, hạt cây mùi theo đông y cũng là một cách làm để chăm sóc vệ sinh cơ thể.

Tuy nhiên, vị Cục trưởng này khuyến cáo người dân, trong trường hợp trẻ mắc sởi mà tiến hành tắm lâu cho trẻ sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị lạnh, dễ nhiễm phổi. Đặc biệt, những bệnh nhân khi bị sởi cần kiêng nước, kiêng gió. Vì vậy, việc tắm lâu cho trẻ bằng loại hạt trên có thể làm trẻ bị cảm lạnh và diễn biến bệnh theo chiều hướng xấu.

Phân tích về điều trị bệnh sởi, tiến sỹ Kính cho hay, hiện nay phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi.

Do đó, đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên, nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Phòng bệnh đúng cách


Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh sởi đã xuất hiện nhiều ca từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh do triển khai tốt chiến dịch tiêm vắcxin sởi nên số trường hợp mắc bệnh đã giảm mạnh trong những tuần gần đây.

Điển hình như các tỉnh Lai Châu Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang, mỗi tuần chỉ ghi nhận một vài trường hợp mắc bệnh sởi hoặc không ghi nhận thấy ca nào.

Sống trong sợ hãi, nhà nhà tìm cách phòng chống sởi cho trẻ ảnh 2Nhân viên y tế điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi. (Ảnh: TTXVN)

Theo Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi.

Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.

“Bình thường trẻ nhỏ mắc sởi nếu nhẹ, không cần chăm sóc, điều trị đặc biệt gì đặc biệt bệnh vẫn tự khỏi. Chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh cơ thể hàng ngày phòng bội nhiễm và bổ sung chế độ dinh dưỡng tốt… sau vài ba ngày sởi sẽ khỏi,” ông Phu cho hay.

Điển hình như tại tỉnh Yên Bái đã có 688 ca nghi sởi, trong đó 99 ca dương tính, nay số lượng mắc bệnh đã giảm hẳn bằng việc tiêm phòng sởi vét và bổ sung cho nhiều đối tượng. Đến nay, một ngày toàn tỉnh chỉ có từ 1 đến 2 ca mắc mới, trong khi trước đó tỷ lệ mắc cao.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến hết ngày 17/4, trên toàn quốc đã ghi nhận 112 trường hợp tử vong do sởi và liên quan đến bệnh sởi tại các bệnh viện, 3.136 trường hợp dương tính với sởi.

Qua phân tích dịch tễ học cho thấy, các trường hợp bị bệnh sởi nặng và tử vong liên quan là các bệnh nhân có các bệnh nặng sẵn có hoặc bị bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, đây là nguyên nhân chính.

Để phòng tránh bệnh sởi để giảm thiểu ca mắc và tử vong, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính khẳng định người dân cần áp dụng các biện pháp dự phòng chung và biện pháp quan trọng nhất là đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.

Thứ hai là mỗi người khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi phải rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng. Thứ ba là tăng miễn dịch cho những người có nguy cơ mắc bằng cách là tăng cường công tác tiêm chủng trong cộng đồng.

Theo tiến sỹ Kính, một người tiêm chủng phải 2-4 tuần sau mới có hiệu lực để bảo vệ, nên ngay từ bây giờ người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, bởi việc có miễn dịch sớm ngày nào thì sẽ giảm bớt những trường hợp mắc sởi ngày đó. Như vậy, cả cộng đồng cùng tham gia phòng chống dịch thì sẽ hạn chế được tình trạng lây lan và tử vong./.

Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã quyết định về việc xuất cấp 12 chiếc máy thở dự trữ quốc gia và bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) 12 chiếc máy thở chức năng cao thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho Bệnh viện Nhi Trung ương (4 máy), Bệnh viện Thanh Nhàn (4 máy), Bệnh viện Đống Đa (4 máy).

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ sung 80,875 tỷ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014 để mua sắm một số trang thiết bị cho: Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và mua thuốc Gamaglobulin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm