Trong hai năm chịu đựng với cú sốc dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng có được từ lợi nhuận tích lũy nhiều năm trước để duy trì hoạt động và sinh kế cho người lao động. Thậm chí nhiều công ty thừa nhận dòng tiền đã âm, thua lỗ lớn không biết bao giờ phục hồi trở lại do dịch còn diễn biến khó lường.
Thực tế, Nhà nước cũng đã lắng nghe và tung ra các gói hỗ trợ để phần nào giúp các DN chèo lái con thuyền của mình trong giai đoạn khó khăn. Nhưng nhìn chung, như nhiều chuyên gia nhận xét, những gói này chưa thấm vào đâu so với khó khăn của DN mà bằng chứng rõ nhất là số DN rút khỏi thị trường vẫn tiếp tục dài thêm.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thẳng thắn nói để duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế cần phải tập trung giải pháp trước mắt là tiếp tục gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Việt Nam vẫn đang làm rất chậm điều này. Tính từ năm 2020 đến nay, cả gói hỗ trợ tài khóa lẫn tiền tệ mới tương đương 4% GDP. Như vậy, Việt Nam chỉ mới tung gói hỗ trợ bằng các nước thu nhập thấp trên thế giới.
Điều này có nghĩa là nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, đủ lớn và kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch, thậm chí có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Nhưng đến giờ, mọi thứ vẫn đang bàn, dù các chuyên gia lẫn chính quyền đều thấy rằng cần phải gấp rút cứu DN. Trong cuộc họp Quốc hội mới đây, bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự định tung ra gói trên 800.000 tỉ đồng bằng cách huy động tiền trong dân qua phát hành công trái. Tại diễn đàn kinh tế mới tổ chức cuối tuần qua, các đại biểu tiếp tục bàn gói kích thích kinh tế trên 800.000 tỉ đồng nhưng cũng chưa xác định chính xác thời điểm triển khai.
Gói kích thích kinh tế càng chậm thì số DN phá sản càng tăng, nhiều người cũng sẽ mất việc làm và gây ra các bất cập về an sinh xã hội.
Do đó, điều mong mỏi lúc này của các DN là liều lượng quy mô gói kích thích kinh tế phải đủ lớn, đủ mạnh. Gói này cũng phải thực thi nhanh và phối hợp hài hòa giữa các chính sách vĩ mô và tập trung vào các ngành, lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn. Nếu không làm nhanh, chúng ta chậm chân với thế giới, chậm chân với khu vực và sản xuất, kinh doanh của DN sẽ khó hồi sinh.
Nhà bác học Archimedes đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”. DN giờ đây cũng kỳ vọng một điểm tựa mạnh đến từ gói kích thích tài chính để tồn tại, vượt khó, tăng trưởng với mục tiêu đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước.