Bạn đọc Tâm Trí (Quận 8, TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Việc sử dụng bằng cấp giả là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu người nào sử dụng bằng giả thì tùy tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng và bị tịch thu tang vật (bằng cấp, chứng chỉ giả).
Về trách nhiệm hình sự, người nào có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 267 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 2-5 năm: Có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 4-7 năm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trên thực tế, phần lớn các hành vi vi phạm về sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả kéo dài cho đến khi về hưu mới chấm dứt hành vi sử dụng. Nên khi xử lý trách nhiệm cần lưu ý về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính hoặc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.