Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết một trong những hiệu quả nhìn thấy từ sự hiện diện gia tăng của Hải quân Mỹ là các cuộc đối thoại giữa quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc cũng đang mang lại kết quả, nhất là tại Biển Đông, nơi tình hình căng thẳng trên biển đang leo thang giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Cụ thể, theo vị Đô đốc này, Trung Quốc là một trong số các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng trước đã cùng với Mỹ chấp nhận Bộ quy tắc về những vụ chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) tại một hội nghị ở Thanh Đảo (Trung Quốc).
Căn cứ vào bộ quy tắc này, các bên đã có những hành động hỗ trợ nhau trong các tình huống nhất định.
Trong chuyến công du châu Á hồi tháng trước của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh và quân sự (SOFA) thời hạn 10 năm với Philippines.
Đô đốc Greenert cho rằng việc phối hợp hoạt động hải quân giữa Mỹ với Philippines hiện tại rất tốt hai bên vẫn cần phải thảo luận thêm và áp dụng các thỏa thuận cần thiết bổ sung để phát triển hiệu quả khả năng phối hợp đó.
Đô đốc Greenert cũng cho biết Hải quân Mỹ hy vọng có thể mở rộng hợp tác với Ấn Độ sau khi chính phủ mới ở Ấn Độ lên nắm quyền, như quan hệ mà hai bên từng có từ trước.
Về bố trí binh lực, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Greenert cho biết Hải quân Mỹ cam kết thực thi chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chính quyền Barack Obama.
Cụ thể, với sự chuyển dịch chiến lược này, hiện nay có 51 chiến hạm trong tổng số 289 chiếc của Hải quân Mỹ đang có mặt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng lên 58 chiếc trong năm tới và 67 chiếc trước năm 2020./.
Theo Vietnam+