Sử kinh tế, khó ai qua GS Đặng Phong

Ngày 26-8, tại Hà Nội, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học để tưởng nhớ một năm ngày mất và tri ân những đóng góp của ông cho nền kinh tế học non trẻ của nước nhà.

nhà nghiên cứu Đinh Tuấn Minh (thành viên VEPR) nhớ lại: “Chúng tôi rất kính phục ông vì các hiểu biết uyên thâm của ông về lịch sử. Thời gian rảnh ông thường kể những câu chuyện sử kinh tế như là thời 1945, 1954 kinh tế Việt Nam thế nào, rồi chính sách, quyết định của các nhân vật lịch sử như các cụ Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười… Ông kể rất hấp dẫn và có những chi tiết khiến anh em vô cùng ấn tượng”.

Hấp dẫn, ấn tượng và đáng nhớ, đó là những đặc điểm nổi bật trong phong cách viết sử kinh tế của GS Đặng Phong khiến độc giả đã cầm sách của ông là có thể đọc một mạch, rất “vào” và nhớ rất lâu. GS-TS kinh tế Nguyễn Thị Hiền - thành viên Ban Nghiên cứu cũ của Thủ tướng và là đồng nghiệp lâu năm của GS Đặng Phong nói: “Đối với tôi, anh Đặng Phong là một người bạn lớn, riêng về lĩnh vực sử thì là bậc thầy. Về mặt tư liệu, phải nói tôi cũng có hàng tập nhưng để làm thành một quyển sử thì ngoài anh Đặng Phong ra khó ai có thể làm được. Chỉ cần một thời gian vừa phải, dữ liệu không nhiều mà cũng tạo ra được tác phẩm lịch sử khiến người ta phải chú ý”. Bà cho rằng sự thu hút ấy đến một phần từ tính văn học trong những cuốn sách của GS Đặng Phong: “Làm người viết sử không phải cứ có nhiều tư liệu là người ta nghe đâu, cũng phải có cái khoa nói, khoa viết. Anh Đặng Phong là người có tư duy giàu tính văn học và khả năng tổng hợp rất sắc sảo”.

Hấp dẫn, sinh động, nhiều lúc dí dỏm, những điều ấy đã tạo nên một Đặng Phong sử gia kinh tế.

Trên bề nổi, chưa thấy gương mặt nào trong giới nghiên cứu kinh tế hiện nay thể hiện tiềm năng thay thế GS Đặng Phong làm người viết sử. Những nhà kinh tế trẻ có xu hướng nghiên cứu về kinh tế Việt Nam thời kỳ sau Đổi mới hơn vì nhiều lý do: Số liệu nhiều hơn và đáng tin cậy hơn, khả năng tiếp cận dễ hơn so với trước kia. Thêm nữa, như ông Đinh Tuấn Minh nói, những nghiên cứu về quá khứ có thể có giá trị sử dụng nhất định nhưng không quá cao, trong khi chi phí đầu tư cho chúng thì càng ngày càng tốn kém hơn.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm