Cụ thể, Thông tư số 22 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1-4 quy định: “Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai Tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.
Các khoản thu nhập, chi phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam thông qua tài khoản mua bán ngoại tệ để hạch toán vào tài khoản thu nhập, chi phí bằng đồng Việt Nam”.
Trước khái niệm “vàng được coi là một loại ngoại tệ”, nhiều người băn khoăn thắc mắc: Quy định vàng là một ngoại lệ có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vàng không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: Cần phải hiểu rõ hai vấn đề của nội dung trên.
Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của thông tư này là các tổ chức tín dụng chứ tuyệt đối không liên quan gì đến hoạt động kinh doanh vàng và cũng không liên quan gì đến khách hàng.
Thứ hai là phạm vi điều chỉnh của thông tư này chỉ là hướng dẫn về hạch toán kế toán, là kỹ thuật để phản ánh trên sổ sách mà thôi. Do đó, thông tư này chỉ đơn thuần liên quan đến kỹ thuật hạch toán của các tổ chức tín dụng.
Để rõ hơn, ông Tuấn Anh dẫn chứng: Chẳng hạn đồng USD, euro, yen Nhật, đồng bảng Anh.. được các tổ chức tín dụng hạch toán trên sổ sách là ngoại tệ thì tương tự, với hướng dẫn của Thông tư 22 về hệ thống tài khoản kế toán, từ nay trở đi, các tổ chức tín dụng cũng hạch toán vàng giống như hạch toán các loại ngoại tệ.
“Thông tư này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh vàng trang sức. Bởi thông tư này hướng dẫn về hệ thống tài khoản của các tổ chức tín dụng, cho nên chỉ đơn thuần là về hạch toán kế toán.
Đối tượng áp dụng của thông tư này là các tổ chức tín dụng và nội dung là hướng dẫn về mặt kỹ thuật hạch toán kế toán phản ánh vào tài khoản nào. Điều kiện kinh doanh vàng vẫn phải thực hiện theo Nghị định 24 và các văn bản pháp luật có liên quan điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng cho rằng: Thông tư mới này chỉ là hợp thức hóa các hoạt động mua bán vàng của các ngân hàng trước giờ vẫn đang làm. Tức là các ngân hàng có chức năng mua bán vàng vật chất giống như hoạt động mua bán USD, euro và các loại ngoại tệ khác…
Như vậy các ngân hàng không chỉ có tiền đồng, các loại ngoại tệ mà họ còn có tài sản là vàng nữa. Trước nay các ngân hàng vẫn hạch toán vàng như một loại ngoại tệ nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết nào của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề hạch toán sổ sách kế toán.
"Do đó, Thông tư 22 ra đời chính là để hướng dẫn một cách chính thống, nhằm giúp việc hạch toán tài sản trên sổ sách của hệ thống tín dụng được thực hiện với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn mà thôi”, ông Hoàn nói.
Thông tư 22 chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các tổ chức tín dụng, không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung.
Không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng Ngày 3-4, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định Thông tư 22 chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các tổ chức tín dụng, không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung. Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 22 chỉ sửa đổi, bổ sung nội dung, kết cấu của một số tài khoản để phù hợp với các quy định tại Thông tư số 200 về chế độ kế toán doanh nghiệp và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngày càng đa dạng của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, quy định về phương pháp hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế về ngoại tệ và vàng đối với các tổ chức tín dụng đảm bảo tuân thủ Luật Kế toán năm 2015 và hướng tới phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. |