Sự thờ ơ của ông Biden giúp Iran chiếm ưu thế ở Iraq

(PLO)- Iraq hiện tại kém ổn định hơn so với tháng 1-2021, thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, và các lợi ích của Washington ở đó bị đe dọa nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khoe trên tờ The Washington Post rằng Trung Đông “ổn định và an toàn hơn” so với khi ông tiếp quản ghế tổng thống từ người tiền nhiệm Donald Trump. Trong số các ví dụ, ông Biden dẫn chứng Iraq, nơi các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào quân đội Mỹ và các nhà ngoại giao, đã giảm.

Người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr chiếm giữ trụ sở quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad vào ngày 3-8. Ảnh: AFP

Người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr chiếm giữ trụ sở quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad vào ngày 3-8. Ảnh: AFP

Đúng là có ít người Mỹ bị nhắm mục tiêu hơn, nhưng chỉ số liệu đơn lẻ này khó có thể chứng minh cho tuyên bố của ông về sự ổn định tại Iraq. Theo ông David Schenker - thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông của Mỹ và là cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông trong chính quyền ông Trump, Iraq ngày nay kém ổn định hơn so với thời điểm tháng 1-2021 và các lợi ích của Mỹ ở đó bị đe dọa nhiều hơn. Giờ đây, các đồng minh chính trị của Iran ở Iraq đang chiếm ưu thế, nền dân chủ mong manh ở quốc gia này đang bị đe dọa và lần đầu tiên sau một thập niên, bạo lực ngay cả giữa các nhóm Hồi giáo dòng Shiite là một khả năng có thể xảy ra.

Tại cuộc bầu cử quốc hội Iraq vào tháng 10 năm ngoái, Liên minh của Moqtada al-Sadr, một giáo sĩ dòng Shiite theo chủ nghĩa dân túy, đã giành đa số 329 ghế trong Hội đồng Đại diện, đánh bại các đảng Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn.

Sau khi Mỹ đưa quân sang Iraq năm 2003, đội quân Mahdi của giáo sĩ al-Sadr trở thành kẻ thù hàng đầu của Mỹ, tuy nhiên gần đây, ông al-Sadr đã tự khẳng định mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một chiến binh chống tham nhũng và là người chỉ trích hoạt động của các nhóm bán quân sự nhắm vào nhân viên ngoại giao và quân sự Mỹ.

Sau cuộc bầu cử, giáo sĩ al-Sadr đã sẵn sàng thành lập một liên minh chính phủ đa số gồm người Shiite, người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd, loại trừ các đảng do Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, chính phủ đó không bao giờ thành hiện thực. Liên minh Khung điều phối do Iran hậu thuẫn - các đối thủ của ông al-Sadr – đã sử dụng quyền kiểm soát của họ đối với bộ máy tư pháp để xoay chuyển tình thế.

Tòa án Tối cao Liên bang Iraq đã phán quyết - lần đầu tiên - không chỉ đa số đơn thuần mà cần có 2/3 siêu đa số để thành lập chính phủ. Không đạt được ngưỡng đó, 73 thành viên quốc hội phe của giáo sĩ al-Sadr đã thay nhau từ chức vào tháng 6 và ghế của họ được phân bổ lại cho các đảng có quan hệ với Iran.

Giáo sĩ al-Sadr đang kêu gọi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm theo luật bầu cử sửa đổi, những yêu cầu bị phe đối lập Khung điều phối phản đối. Sự bế tắc kéo dài, căng thẳng giữa những người Shiite ở Iraq đang gia tăng. Tuy nhiên, bất kể bế tắc được giải quyết thế nào, Iran có thể sẽ nổi lên củng cố vị thế ở Baghdad.

Trong suốt chín tháng kể từ cuộc bầu cử và cuộc biểu tình của phe giáo sĩ al-Sadr, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia chỉ đến thăm Iraq hai lần và Ngoại trưởng Antony Blinken chỉ thực hiện một số cuộc gọi ngắn tới những người ra quyết định ở Iraq trong nỗ lực tạo ảnh hưởng với Iraq. Như một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền ông Biden đã nói vào tháng 12 năm ngoái, kế hoạch của họ là “giao việc thành lập chính phủ ở Iraq cho người Iraq”.

Đáng tiếc, Iraq không phải là một trường hợp điển hình, nền dân chủ non trẻ của họ phải vật lộn để tồn tại dưới áp lực cánh tay dài của Iran ở Iraq. Việc Mỹ thờ ơ trong quá trình thành lập chính phủ đã để lại một khoảng trống được Tehran háo hức lấp đầy. Thủ lĩnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Esmail Qaani và các quan chức cấp cao khác của Iran đã đến thăm Iraq không dưới 10 lần trong những tháng gần đây.

Iraq là cái tên quan trọng đối với Mỹ và các lợi ích của nước này trong khu vực. Không giống như Afghanistan, Iraq thực sự là một đối tác chống khủng bố với cơ hội thực sự trở thành một nền dân chủ chính thức. Quốc gia này có vị trí chiến lược quan trọng, có trữ lượng dầu lớn thứ năm thế giới và đang ở tuyến đầu chống lại nỗ lực của Iran nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp Trung Đông.

Khi Washington dường như tiến gần hơn đến thỏa thuận hạt nhân với Tehran, việc chống lại sự can thiệp của Iran ở Baghdad càng trở nên cấp thiết hơn - cho cả Mỹ lẫn các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn thờ ơ trong việc tiếp cận quá trình thành lập chính phủ Iraq. Không thể giải thích được, có vẻ như Iraq - nơi Mỹ đã tham gia hai cuộc chiến tranh lớn trong những thập niên gần đây - không còn là ưu tiên của Washington nữa. Thật không may, đó là điều Tehran cần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm