Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin sư Thích Thanh Toàn sẽ mang theo tài sản có giá trị lên đến 300 tỉ đồng khi hoàn tục. Thực hư thông tin này đến nay vẫn chưa xác thực, song nhiều người quan tâm khi một nhà sư rời cửa Phật có thể mang theo tài sản có được trong quá trình tu hành, nhất là tài sản đứng tên khai sinh (thế danh) của chính người tu hành đó.
Sư Thích Thanh Toàn được quyền sở hữu?
Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo về việc chấp thuận nguyện vọng xin xả giới hoàn tục và giữ tài sản riêng của sư Thích Thanh Toàn. Giáo hội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và sư Toàn để xác minh nguồn gốc tài sản.
đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Tâm Vượng, cho rằng tài sản đối với người tu hành có hai loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân - tài sản mang tên chủ sở hữu là thế danh của sư Toàn được cúng dường, biếu tặng trong thời gian sư làm trụ trì chùa Nga Hoàng.
Đại đức Thích Tâm Vượng phân tích: Nếu Phật tử cúng pho tượng ngọc trị giá hàng tỉ đồng cho thầy Toàn đặt ở chùa Nga Hoàng thì pho tượng vẫn là tài sản của chùa Nga Hoàng, thầy Toàn không được mang đi. Nhưng nếu Phật tử biếu cho thầy cái xe máy, ô tô, thầy Toàn đi đăng ký với thế danh của thầy thì đó là tài sản cá nhân của thầy được pháp luật bảo hộ, giáo hội không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của thầy Toàn. Dẫu trang trại, đất đai có lên tới 2.000-3.000 m2 mà không nằm trong sổ đỏ của chùa Nga Hoàng, do thầy Toàn mua bán hợp pháp thì đương nhiên thầy Toàn được quyền sở hữu, giáo hội không thể can thiệp...
Sư Thích Thanh Toàn và tờ trình xin hoàn tục của vị này. Ảnh: phatgiao.org.vn/Internet
Tài sản đứng tên ai, người đó hưởng?
Bàn về việc này, một thẩm phán TAND TP.HCM phân tích: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 (có hiệu lực ngày 1-1-2018) không có quy định nào về tài sản riêng của người tu hành mà chỉ quy định về tài sản của cơ sở tôn giáo. Điều 3 và các điều thuộc Chương VII luật này cũng không quy định về tài sản của người tu hành mà chỉ quy định về tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Điều 62, 63 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2013 phần về tài chính, tài sản không có quy định về tài sản riêng của những người đã xuất gia.
“Như vậy, về vấn đề tài sản riêng của người xuất gia trong thời kỳ xuất gia thì pháp luật và hiến chương giáo hội đều bỏ ngỏ. Trong khi đó, BLDS 2015 quy định mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Pháp luật Việt Nam không có chế định về tài sản riêng của những người tu hành mà theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng và có quyền tài sản bình đẳng như nhau. Do đó, nếu có tranh chấp thì sẽ xử theo pháp luật, tức là tài sản đứng tên ai (cho dù là người tu hành trong cơ sở tôn giáo) thì sẽ vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó” - thẩm phán này nói.
Một thẩm phán khác thì phân tích Điều 221 BLDS năm 2015 về những căn cứ xác lập quyền sở hữu thì cũng không quy định trường hợp tạo lập tài sản của người tu hành. Vì vậy, cần làm rõ những tài sản mà sư Toàn mang đi khi hoàn tục tuy đứng tên sư Toàn nhưng có được hình thành căn cứ theo Điều 221 BLDS 2015 hay không (ví dụ sư Toàn tạo lập, được thừa kế hoặc được hưởng theo di chúc trước hoặc trong thời gian tu hành). Nếu tài sản được hình thành đúng căn cứ thì việc sư Toàn sở hữu là điều đương nhiên.
Cúng dường cho chùa hay cúng cho sư?
Trên thực tế, Phật tử đi chùa dâng lễ, cúng dường cho tam bảo, đóng góp cho chùa để tu bổ chùa, làm việc thiện hoặc các Phật sự khác chứ không phải cúng riêng cho vị tu hành nào cả. Phật tử có người bỏ tiền vào hòm công đức, có người ủng hộ đưa trực tiếp tiền, hiện vật cho các thầy trụ trì chùa. Nguyện vọng của các Phật tử là để tu bổ, xây dựng chùa và làm công tác từ thiện khác...
Cần phải xác minh, làm rõ nguồn tiền mà sư Toàn đem mua đất đai. Đối với ô tô, xe máy cần xác minh Phật tử nào cho hay sư tự mua. Nếu sư Toàn không phải là nhà sư trụ trì thì có Phật tử nào tặng cho tài sản như vậy không?
“Sở dĩ sư Toàn đứng tên các tài sản do chùa không phải là tổ chức tôn giáo mà chỉ là cơ sở tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo ở Việt Nam đều thuộc về một tổ chức tôn giáo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, chùa không thể tham gia giao dịch với tư cách một chủ thể độc lập (pháp nhân hay tổ chức) mà thường sẽ do vị trụ trì thực hiện, đứng tên tài sản bằng thế danh của mình” - vị thẩm phán nhận định.
Tuy nhiên, Điều 5 BLDS năm 2015 có quy định trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
“Để tránh những tranh chấp liên quan đến việc xác định tài sản là của người tu hành hay của cơ sở tôn giáo thì cần bổ sung quy định cụ thể vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tài sản của người tu hành, đồng thời có quy định pháp luật cụ thể về vấn đề tài sản này” - vị thẩm phán đề xuất.
Đang xác minh 6.000 m2 đất sư Toàn mua của dân Chiều tối 8-10, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cho biết huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Hợp Châu và các phòng ban chuyên môn vào cuộc xác minh nguồn gốc, quá trình mua bán, chuyển nhượng đất tại khu vực chùa Nga Hoàng của sư Thích Thanh Toàn. “Đây là khu vực đất góc đồi Phúc Hòa, dạng đất quỹ II, được chia cho các hộ dân. Việc mua bán, chuyển nhượng đều thực hiện theo dạng giấy viết tay, không đưa ra pháp luật. Vì vậy đến thời điểm này chúng tôi phải xác minh, làm rõ nguồn gốc đất, quá trình chuyển nhượng, từ đó mới đề xuất các biện pháp cụ thể” - ông Hiệp nói. Theo báo cáo ban đầu của UBND huyện Tam Đảo, tổng diện tích đất đai khu vực chùa Nga Hoàng là 20.906,4 m2. Từ năm 2008, khi về làm trụ trì chùa Nga Hoàng, sư Toàn đã mua bán, chuyển nhượng đất với dân địa phương khoảng 5.790,9 m2. Hoạt động mua bán này đều bằng giấy tay, không thông qua chính quyền địa phương. Sau khi nhận chuyển nhượng, sư Toàn đã cho làm đường, đào ao, một số diện tích để không… Hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của sư Toàn đã bị UBND xã Hợp Châu xử phạt hành chính sáu lần với tổng số tiền phạt 14 triệu đồng. TRỌNG PHÚ Từng có vụ cãi nhau về tài sản của sư hay chùa Tháng 5-2008, một ni sư trụ trì chùa Thiên Chánh (đường Khuông Việt, quận Tân Phú, TP.HCM) qua đời, để lại khối tài sản là năm cuốn sổ tiết kiệm đứng thế danh của ni sư. Em của ni sư kiện ra TAND quận Tân Phú tranh chấp thừa kế với Ban đại diện Phật giáo quận Tân Phú. Bà cho rằng tài sản đứng thế danh của chị mình là tài sản cá nhân của chị nên bà thừa kế hợp pháp di sản này. Hơn nữa, chị mình trong thời gian tu hành có bán nhang, bán bánh... Khi đó có hai luồng quan điểm đối với vụ tranh chấp. Quan điểm thứ nhất cho rằng tài sản do ni sư đứng tên (bằng thế danh) là tài sản thuộc về ni sư. Khi ni sư mất không di chúc thì những người thừa kế sẽ được hưởng di sản này. Quan điểm thứ hai cho rằng mặc dù di sản mang thế danh ni sư nhưng cần xem xét nguồn gốc. Ni sư đã xuất gia tu hành, là người không có thu nhập bởi lẽ không hoạt động sản xuất, kinh doanh nào làm ra các sản phẩm thương mại hoặc phát sinh lợi nhuận, cũng không phải là người làm việc hưởng tiền công hay lương. Cuộc sống của sư, tăng là nhờ vào cúng dường của thí chủ… Sau đó hai bên thỏa thuận được việc chia đôi khối tài sản (sau khi dành ra khoản tiền xây tháp cho vị ni sư quá cố) nên em gái của ni sư rút đơn kiện. TAND quận Tân Phú đình chỉ vụ án. P.LOAN |