TAND Cấp cao TP.HCM vừa xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKS sửa án sơ thẩm, tăng án đối với Nguyễn Trường Giang (SN 1989, ngụ Hà Nội) từ hai năm lên năm năm tù về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tháng 8-2015, Giang đáp chuyến bay từ Nga về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM mang theo 18 kiện hành lý ký gửi.
Qua máy soi nghi vấn 13 kiện hành lý vượt tiêu chuẩn miễn thuế nên hải quan tiến hành kiểm tra. Kết quả phát hiện 20 chai rượu Macallan, xuất xứ Scotland loại 21 năm, 100 chai Beluga Nobel Russian xuất xứ Nga, 1.200 tuýp kem trị sẹo Klirvin của Nga và 89 chai nước hoa các thương hiệu nhưng Giang không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan.
Tại CQĐT, Giang khai là đứng tên ký gửi hành lý cho một số cá nhân để nhận công khoảng 9 triệu đồng. Ngoài ra, Giang khai từ đầu năm 2015 đến ngày bị phát hiện đã 17 lần sang Nga để vận chuyển hàng hóa thuê về Việt Nam. Mỗi chuyến được khoảng 700 USD trừ chi phí vé đi lại, Giang hưởng lợi tầm 200 USD. Sau khi định giá, VKS xác định lô hàng trên giá trị hơn 536 triệu đồng và truy tố bị cáo theo khoản 3 Điều 154 BLHS.
Tuy nhiên, khi xét xử TAND TP.HCM nhận thấy giá trị truy tố như cáo trạng là chưa đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể, chỉ đủ cơ sở truy tố và xét xử bị cáo này đối với hai mặt hàng rượu được định giá là hơn 286 triệu đồng. Còn các mặt hàng còn lại, tòa cho rằng không thể lấy giá trị sản phẩm chính gốc để áp giá cho các sản phẩm không rõ chất lượng có nhãn hiệu tương tự... Từ đó, tòa chỉ tuyên phạt Giang hai năm tù theo khoản 1 Điều 154 BLHS.
Tại phiên phúc thẩm, VKS bảo vệ kháng nghị lập luận, tòa sơ thẩm chỉ sử dụng một phần của kết luận giám định (thẩm định giá hai loại rượu) làm căn cứ buộc tội, còn phần định giá các sản phẩm còn lại không sử dụng nhưng đưa ra được căn cứ pháp lý hay lý do nào để phủ nhận kết luận của hội đồng. Tòa chỉ lấy lý do không có hàng chính hãng để áp giá cho sản phẩm chưa rõ nguồn gốc là không có căn cứ và không đúng bản chất. Bởi lẽ VKS truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo Giang về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, khách thể bị xâm phạm là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước đối với hàng xuất nhập khẩu và trật tự quản lý hàng hóa... không phải khách thể tội buôn bán hàng giả là lợi ích của người tiêu dùng. Việc không xử lý hành vi vận chuyển các mặt hàng còn lại của bị cáo là bỏ lọt hành vi phạm tội...