Chiều 16-11, các đại biểu (ĐB) cho ý kiến về dự luật đầu tư công (sửa đổi). Nhiều vấn đề về phân loại dự án, quản lý ngân sách… được thảo luận sôi nổi.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (QH)) cho rằng khái niệm “vốn đầu tư công” và việc phân cấp, giảm thủ tục đầu tư là điều cần thiết nhưng nhiều điều luật chưa đáp ứng được yêu cầu này.
“Luật phân loại dự án quan trọng quốc gia có mức sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỉ đồng trở lên (quy định hiện hành là 10.000 tỉ đồng) để Chính phủ có thể quyết nhanh hơn. Điều này chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm là trình QH sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn. Ban soạn thảo cần cân nhắc lại, không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của QH” - ông Hàm phân tích.
Theo ông Hàm, nếu thật sự muốn phân cấp thì nên giao quyền cho địa phương tự quyết toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của trung ương cho địa phương. Địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát (hậu kiểm). Chính phủ sẽ kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ KH&ĐT chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn trung ương.
Các ĐB khác cũng có nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề về khung khổ pháp lý, tiêu chí lựa chọn dự án, gắn phân bổ nguồn lực với hiệu quả và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quyết định dự án.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng nên sửa đổi các quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm theo hướng dần đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm.
ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) thì đề nghị tập trung quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) về một mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. “Hiện nay ở nước ta NSNN do hai cơ quan quản lý là Bộ KH&ĐT quản lý phân bổ, chi đầu tư, còn Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý NSNN. Từ đó làm giảm hiệu quả chi NSNN, sử dụng NSNN phân tán, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư” - ông Chiểu nói.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay trong quá trình tổng hợp các ý kiến sửa luật, có gần 600 ý kiến nhằm thiết kế ba nhóm chính sách liên quan tới 18 vấn đề lớn thuộc 108 điều luật. “Do vậy, Chính phủ trình QH cho phép sửa tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Căn cứ thảo luận của QH để quyết định tên gọi phù hợp. Nếu vẫn sửa nhiều thì mong QH chấp nhận đề nghị của Chính phủ” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là sửa Luật Đầu tư công để nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền. “Cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục, không “đẻ” ra những quy trình thủ tục mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, có chế tài, xử lý vi phạm” - Phó Thủ tướng nói. “Các dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng, có một phần vốn trung ương cũng ngày càng nhiều lên, hơn nữa dự án luật này được sửa đổi là cho một thời gian dài chứ không chỉ vài ba năm” - Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu tiêu chí, căn cứ xác định mức vốn nhà nước trong dự án đầu tư… để có căn cứ trình QH xem xét, quyết định, vừa đảm bảo thẩm quyền của QH vừa đảm bảo linh động trong tổ chức thực hiện.