Có căn thì chỉ được sửa từng phần. Có căn nhà thì chỉ được sửa phần tiếp đón khách ra vào cho nó khang trang, sạch sẽ. Sự sửa chữa này tùy theo tình hình tài chính của gia chủ. Nhưng hầu như những người chủ nhà đều có “quyết tâm” theo đuổi mục đích là sửa nhà để ăn tết.
Với lòng tin nhà mới sạch, đẹp đón tết sẽ mang lại nhiều phúc lộc thọ vào năm mới và cũng không ai muốn nhà mình trông có vẻ bụi bặm và luộm thuộm thì thật là không phải với khách khứa, bà con thân thuộc, bạn bè đến chơi tết, nhậu nhẹt. Tết phải có gì mới. Mà nhà mới sẽ làm cái tết rôm rả hơn. Tuy nhiên, đâu có phải nhà nào cũng có tiền sửa chữa hay dựng nhà mới. Thôi thì không có tiền mướn thợ thì tự tay gia chủ làm lấy, cũng đỡ đồng tiền bát gạo, dành đồng tiền chắt chiu làm tiền lì xì cho con cháu đầu xuân.
Tuổi nhỏ chưa biết thời khắc đón tết sẽ đến lúc nào. Nhưng mỗi lần tôi thấy cha tôi mua mấy hộp sơn Bạch Tuyết cùng mấy cây cọ về là tôi biết tết gần đến. Mỗi khi đi làm về hay ngày Chủ nhật, cha tôi khệ nệ gỡ từng cánh cửa sổ xuống, rồi lấy khăn lau, rửa sạch sẽ sau đó mới đến công đoạn sơn mới những cánh cửa. Tôi cùng mấy thằng em thấy đây cũng là một trò vui vui bèn hè nhau vào thằng thì rửa cửa, xách nước, thằng “có hoa tay” thì phụ cha tôi sơn viền những cánh cửa cho nó thật láng, thật đẹp. Nói thì có vẻ nhanh nhưng “công việc đại sự” này làm cũng mất rất nhiều ngày. Và cho đến khi tất cả cánh cửa cái, cửa sổ - đại loại là những gì trang trí cho mặt tiền ngôi nhà rực sáng vì màu và thơm nước sơn mới thì lũ nhỏ chúng tôi cùng vỗ tay reo mừng, thấy những cánh cửa mới cũng có bàn tay của mình góp phần cọ quẹt. Sau đó là một màn giành công và nói chung là cánh cửa nào sơn đẹp thì đứa nào cũng giành, chỉ có cha tôi là sơn xấu nhất.
Rồi tiếp đó là màn đánh bóng bộ lư đồng trên bàn thờ. Bây giờ thì có thể đem đến những nơi làm dịch vụ đánh bóng lư đồng bằng máy chứ ngày xưa cha tôi thuộc loại “siêu nhân” - cái gì cũng mần được. Ông đi mua bình thuốc đánh bóng mà cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ đến cái mùi hăng hắc đặc trưng của nó. Ông hướng dẫn tụi tôi gỡ từng phần của bộ lư đồng. Rửa sạch sẽ cho hết bụi rồi bắt đầu nhúng giẻ vào dầu, thoa lên từng bộ phận rồi chà đến khi nào thật bóng thì thôi. Bây giờ là lúc tụi “xây lố cố” thi đua xem đứa nào đánh nhanh và bóng nhất. Tất nhiên là cái nào bóng nhất vẫn là công lao của chúng tôi, còn cái nào còn đen là của cha tụi tôi.
Sướng nhứt hạng là buổi sáng mùng 1, sau khi đứa nào đứa nấy đều mặc đồ mới bảnh tỏn do má may, cha tôi lì xì cho mỗi đứa một bao đỏ và nói “tiền thưởng công cho mấy đứa đã phụ ba sơn cửa, sơn nhà. Không có mấy đứa thì không biết chừng nào ba làm xong”. Hồi nhỏ tụi tôi tưởng thiệt nên hãnh diện lắm nhưng khi lớn lên mới hiểu rằng cha tôi nói chơi để tụi tôi vui. Biết thêm điều nữa là cha đã không mướn thợ làm, cốt để dành tiền lì xì tụi nhỏ. Lúc đó cùng sơn nhà, chùi lư với cha thấy vui lắm và khi lớn lên mới hiểu cái vui tuổi nhỏ đó lớn lên không thể nào kiếm được. Và bây giờ mỗi khi chuẩn bị đón mừng xuân mới, tôi không còn phải rửa nhà, sơn cửa và các con tôi lại càng không biết đến cảnh cha và ông nội chúng nó đã từng rửa cửa, sơn nhà cùng nhau. Cảnh này làm sao tìm được, chỉ còn thật ấm cúng trong hoài tưởng mà thôi.
Có phải tết là những ngày đó - những ngày cha con cùng nhau thay đổi bộ mặt căn nhà để nhìn thấy những bộ mặt lấm lem sơn dầu mà cười rộn rã…!?