Ngày 11-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Quang Tú, Chủ tịch UBND phường Phương Sài, TP Nha Trang (Khánh Hòa), thừa nhận phường đã cưỡng chế tháo dỡ phần nhà sửa chữa của gia đình ông Nguyễn Khoái (73 tuổi, ngụ số 69 Yersin, TP Nha Trang).
Ông Nguyễn Khoái trong căn nhà đang sửa chữa sau bão số 12.
Cùng ngày, ông Khoái liên tục phản ánh với PV rằng dù là ngày nghỉ nhưng hàng chục người thuộc các lực lượng của phường Phương Sài vẫn tiếp tục đến buộc tháo dỡ, thu giữ vật dụng gia đình ông đang sửa lại ngôi nhà.
Buộc tháo dỡ nhà đang sửa do bão làm hư hỏng
Theo trình bày của ông Khoái, cơn bão số 12 đã phá tan toàn bộ phần mái của ngôi nhà mà gia đình ông với ba hộ đang ở tại 69 Yersin. Ngoài ra, bão còn đánh vỡ các bức tường ván, đồ đạc.
Ngày 8-11, gia đình ông mua sắt về làm trụ, thay các cây gỗ đã bị bão đánh gãy để lợp lại mái tôn trên diện tích, khuôn viên nhà đang ở để có nơi trú ngụ.
Ngay hôm sau, UBND phường Phương Sài đến lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Khoái ngừng sửa chữa với lý do “thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị”.
Sáng 10-11, chủ tịch UBND phường Phương Sài ra quyết định “đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với nhà 69 Yersin do ông Nguyễn Khoái làm chủ đầu tư”!
Quyết định này cho rằng ông Khoái đã “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”. Cũng theo quyết định, chủ tịch UBND phường Phương Sài yêu cầu trưởng Công an phường chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, người lao động vào thi công xây dựng công trình vi phạm.
Trưởng Công an phường phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc các cơ quan liên quan đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định. Tính khẩn cấp của sự việc này còn được chủ tịch UBND phường khẳng định là “quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, kể cả trong trường hợp chủ đầu tư vắng mặt hoặc cố tình vắng mặt”.
Ngay chiều 10-11, chủ tịch UBND phường Phương Sài tiếp tục ra quyết định “đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” đối với nhà 69 Yersin. Ngoài các nội dung như quyết định ban hành buổi sáng, quyết định mới bổ sung yêu cầu: Quá thời hạn ba ngày, kể cả ngày nghỉ, kể từ ngày ban hành quyết định, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm thì bị cưỡng chế phá dỡ.
Gia đình ông Nguyễn Khoái tháo dỡ căn nhà cũ do bão làm hư hỏng để sửa chữa lại
Cũng trong chiều 10-11, hàng chục người thuộc các lực lượng của phường Phương Sài kéo đến, buộc gia đình ông Khoái phải tháo dỡ ngay phần nhà đang sửa chữa. Thậm chí, một số người còn thu giữ đồ đạc, vật dụng của gia đình ông Khoái đưa lên xe.
“Bão quét tan tành nhà cửa của tôi, không còn nơi thờ cúng ông bà, đồ đạc cũng không có chỗ để. Tôi vừa bị bệnh tai biến nên phải nhờ con cháu cùng nhau sửa lại nhà để 16 người trong gia đình ở tạm. Vậy mà chính quyền gọi tôi là chủ đầu tư công trình vi phạm, rồi kéo hàng chục người đến ngăn cản chúng tôi sửa nhà. Ngay cả thứ bảy, họ cũng kéo hàng chục người đến bảo tôi phải tháo dỡ ngay rồi thu giữ vật dụng sửa nhà của gia đình...”- ông Khoái nói.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay căn nhà của ông Khoái đã tháo dỡ toàn bộ phần mái, trụ cũ bằng gỗ; hiện đang dựng bằng trụ sắt để lợp lại nhà.
“Nếu làm nữa sẽ cưỡng chế!”
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Quang Tú, chủ tịch UBND phường Phương Sài cho rằng nguyên nhân buộc phá dỡ việc sửa chữa căn nhà ông Nguyễn Khoái là căn nhà này nằm trên diện tích của một dự án và sửa chữa không theo kết cấu cũ. “Khi thiên tai, đối với những nhà sập, địa phương luôn tạo điều kiện cho dân. Người dân không cần làm đơn sửa chữa nhà nhưng với điều kiện phải làm đúng diện tích, làm theo kết cấu cũ", vị chủ tịch nói.
Theo vị chủ tịch phường, ông Khoái thay đổi về kết cấu, từ nhà ván, cửa gỗ, giờ làm khung sắt. Tức là nhà ông Khoái sửa lại theo kết cấu khác, kiên cố hơn. "Căn nhà ông Khoái nằm trong dự án trường mầm non Kiều Đàm của chùa Thiên Hòa. UBND TP Nha Trang đã có thông báo thu hồi đất này và đang làm các thủ tục kiểm đếm. Nếu gia đình ông Khoái sửa lại nhà theo kết cấu cũ, tức làm bằng gỗ ván thì chính quyền sẽ tạo điều kiện, ông nói.
Ông Tú thừa nhận hiện nay gia đình ông Khoái đang để các bằng công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng của bà nội, mẹ ruột ông Khoái, cũng như các bằng Tổ quốc ghi công của các liệt sĩ là cha, anh ông Khoái, trông rất phản cảm. Tuy nhiên, chủ tịch UBND phường khẳng định vẫn tiến hành cưỡng chế nếu gia đình ông Khoái không tự phá dỡ theo quyết định của UBND phường.
UBND phường Phương Sài cho rằng gia đình ông Nguyễn Khoái đã sửa chữa nhà sau bão không theo kết cấu cũ khi thay gỗ bằng sắt.
Khi PV trao đổi về trường hợp trên, ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, hỏi ngược lại PV căn nhà 69 Yersin là nhà ở của gia đình ông Khoái hay quán nhậu?
Ông Thọ cho rằng về nguyên tắc các căn nhà nằm trong vùng quy hoạch khi sửa chữa chỉ được cho khôi phục lại ban đầu. Căn nhà của ông Khoái nằm trong diện đang kiểm đếm nên khi sửa chữa phải làm như cũ.
Phường báo cáo là nhà ông Khoái chỉ rớt mấy miếng gỗ nhưng làm lại bằng sắt. “Rớt miếng tôn thì chỉ được lợp lại miếng tôn. Dân mình mà giúp cho họ cái này thì họ làm cái khác. Khi đi ra khỏi thì buộc đền bù với giá cao hơn thì nhà nước không có tiền trả", ông Thọ nói.
"Về nguyên tắc là không để dân đói, khát nhưng khi người ta được cái này thì họ lấn cái khác nữa, sau này kiện cáo, cưỡng chế thì phức tạp. Nếu giải quyết trường hợp này được thì hàng ngàn người khác thì sao? Không hẹp hòi gì dân đâu nhưng lúc này tình trạng xây dựng trái phép rất phức tạp. Phường làm có lý của người ta!” - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang nói.
Trong khi đó, ông Khoái nói rằng từ sau bão đến nay, do TP Nha Trang có quá nhiều nhà sập, hư hỏng nên gia đình ông không thể mua được cây gỗ để sửa chữa nhà. “Gia đình tôi chỉ làm khung sắt, lợp lại nhà để ở tạm chứ có xây dựng gì mới đâu mà chính quyền nói tôi là chủ dầu tư của công trình kiên cố, vi phạm trật tự đô thị, rồi buộc phá dỡ”. Hai ngày nay, ông Khoái liên tục gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến nhiều cơ quan chức năng.
Theo thông tin mà chúng tôi vừa nhận, Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có công văn truyền đạt kiến chỉ đạo của ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy về vấn đề khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Theo đó, bí thư Tỉnh ủy lưu ý nhà của người dân trong các khu vực có dự án nhưng chưa tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì tạo điều kiện để người dân xây dựng tạm để có chỗ ở.
Góc nhìn: Theo chúng tôi, việc tranh chấp, giải toả, đến bù... là chuyện đặng chẳng đừng và người dân chẳng ai muốn dính vào việc này. Chưa hết, vì là ngôi nhà tạm nên nó mới bị bão giật sập và ông Khoái càng không "ham" chuyện này để "được" sửa chữa. Không có chỗ ở, gia đình ông mới sửa nhà mà như ông nói là "không tìm đâu ra gỗ", ông mới thay các trụ gỗ bằng trụ sắt, nó vừa nhanh vừa rẻ để gia đình 16 người có chốn nương thân, vậy thì hà cớ gì ngăn cản một gia đình thuộc diện chính sách vừa bị thiên tai? Chưa hết, giá trị của căn nhà "vách ván, mái tôn, cột gỗ" bị bão số 12 giật sập với giá trị của căn nhà trụ sắt mái tôn không chênh lệch nhau là mấy, và nếu có kiểm đếm, đền bù, giải toả (ở thì tương lai) thì nó cũng chẳng tăng lên hay hạ xuống được mấy đồng. Nếu cẩn thận, chính quyền sao không đến lập biên bản, ghi nhận cụ thể giá trị của căn nhà bị sập để làm bằng cớ cho chuyện bồi thường, giải toả sau này. Việc gấp rút ra quyết định, cho lực lượng đến cưỡng chế, lập biên bản... trong khi gia đình đang gặp hoạn nạn có cần thiết không? Từ căn nhà tạm này chuyển sang căn nhà tạm bợ khác, chẳng thay đổi bản chất. Có khác là khi tháo dỡ, trụ sắt phải gỡ ốc vít còn trụ gỗ thì vung mấy nhát rìu, còn giá trị của nó chẳng khác bao nhiêu. Vì vậy, dù phường có viện dẫn, trưng ra các quy định, quyết định... có đúng luật mà không hợp lòng dân, chẳng khác nào đẩy người dân vào thế đối đầu, trách sao khiếu nại, khiếu kiện vẫn mãi cứ lùng nhùng. VI TRẦN |