Tuy nhiên, liệu rằng người Việt có hấp dẫn trước Subaru giá rẻ sau những lần triệu hồi của dòng xe này.
Nhà máy của Subaru đã chính thức đi vào vận hành tại Thái Lan để cung ứng sản phẩm cho khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Forester sẽ là mẫu xe đầu tiên xuất xưởng, với tỉ lệ nội địa hoá khoảng 43% - đủ để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Liên doanh tại Thái Lan được thành lập giữa tập đoàn Tan Chong International (TCIL) - và Subaru Corporation. Nhà máy của liên doanh này được đặt tại khu công nghiệp gần sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, sẽ lắp ráp các mẫu xe thể thao đa dụng (SUV), trước mắt là mẫu Forester.
Việt Nam là một trong các nước được ưu đãi thuế nhập khẩu đối với dòng xe Subaru. Ảnh:Internet.
Nhà máy mới của Subaru tại Đông Nam Á này đặt mục tiêu sản xuất 6.000 chiếc Subaru Forester trong năm hoạt động đầu tiên, tiến tới đạt công suất 10.000 xe/năm với 4 mẫu xe khác nhau (Subaru chưa tiết lộ các mẫu xe khác ngoài Forester được lắp ráp tại đây).
Với nhà máy mới này, Subaru và Tan Chong tỏ ra khá tự tin ở phân khúc SUV đang lên tại Đông Nam Á, cho dù hiện này Subaru mới chỉ đạt có 3,5% thị phần ở phân khúc này tại ASEAN.
Trước đây, tại thị trường Việt Nam, dòng xe của Subaru không được nhiều ấn tượng tốt đẹp trước sức ép của các dòng xe nhập khẩu từ Nhật Bản hay Mỹ. Đồng thời, đầu năm 2019, Subaru liên tục triệu hồi một số mẫu xe, càng làm cho người dùng Việt Nam trở nên hoang mang hơn.
Cụ thể, tháng 3-2019, sau khi phát hiện hệ thống phanh trên một số dòng xe vẫn hoạt động bình thường nhưng đèn phanh không bật sáng, Subaru tiếp tục triển khai chương trình triệu hồi trên phạm vi toàn thế giới để kiểm tra, khắc phục lỗi, trong đó có Việt Nam.Lần triệu hồi này bao gồm các mẫu Forester (sản xuất từ 2014 - 2016), WRX (2010 - 2014), Impreza (2008 - 2016) và các mẫu xe XV (2012 - 2017).
Trước đó, ấn tượng về một Subaru bị triệu hồi sẽ bất lợi cho dòng xe này. Ảnh:Internet.
Hay trong tháng 2-2019, Subaru cũng đã triệu hồi 18 chiếc thuộc ba dòng BRZ, XV và Forester. Nguyên nhân của đợt triệu hồi trước đó là do dung sai đường kính lò xo xu-páp được thiết kế chưa phù hợp, dẫn đến vượt quá sức bền chịu mỏi của lò xo trong quá trình hoạt động và trong thành phần vật liệu chế tạo lò xo bị lẫn tạp chất siêu nhỏ làm cho độ bền của lò xo xu–páp bị giảm xuống, dẫn đến nứt gãy lò xo. Dẫn đến trong quá trình di chuyển, nếu lò xo của bất kỳ một xu-páp nào bị gẫy thì nó có thể gây ra tiếng ồn bất thường. Trường hợp xấu nhất có thể khiến động cơ chết máy đồng thời không khởi động lại được và có khả năng gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Chính vì tiểu sử không mấy tốt đẹp, Subaru về Việt Nam với giá rẻ liệu có được chào đón như các đối thủ của mình.