Nghị định 148 có hiệu lực từ ngày 8-2, trong quý I dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020… Đây là những hy vọng tạo sức bật cho thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM trong năm nay.
Một số vướng mắc pháp lý đối với thị trường bất động sản đã được gỡ bỏ trong năm 2021 này. Ảnh: QUANG HUY
Thec các chuyên gia, những quy định pháp luật (mới) sẽ giúp cho cán bộ, công chức nhà nước yên tâm thi hành công vụ về BĐS, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại…
Bốn pháp lý tạo tiền đề phát triển
“Một loạt chính sách pháp lý có hiệu lực năm nay sẽ là một trong những lực đẩy của thị trường BĐS TP.HCM năm mới” - ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) DKRA Việt Nam, nhận định.
Theo DKRA Việt Nam, các vấn đề về chính sách - pháp lý được kỳ vọng tạo sức bật cho thị trường năm nay gồm các luật mới có hiệu lực. Thứ nhất là Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã được thông qua ngày 17-6-2020 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Luật này quy định về loại công trình được miễn giấy phép xây dựng, thời gian cấp giấy phép xây dựng, sửa quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng…, có hiệu lực thi hành từ năm 2021.
Cũng tại kỳ họp này, Luật Đầu tư 2020 đã được thông qua thay thế Luật Đầu tư 2014. Luật quy định về việc bổ sung nhiều ngành nghề ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là điều kiện về vốn pháp định được bỏ, thành lập công ty BĐS không cần vốn 20 tỉ đồng nữa.
Thứ ba là ngày 14-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 91 quy định về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Quy định về quyền, nghĩa vụ và xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại quảng cáo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-10-2020 và được dự báo sẽ giúp ngăn chặn việc quảng cáo BĐS vô tội vạ, góp phần định hướng thị trường BĐS minh bạch hơn.
Thứ tư là ngày 18-12-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 148 với nhiều nội dung quan trọng về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 8-2-2021.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định nhiều cơ chế hợp lý, tháo gỡ được các vướng mắc về xử lý các thửa đất công nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở.
Tháo gỡ ách tắc cho thị trường
“Các quy định pháp luật (mới) sẽ giúp cho cán bộ, công chức nhà nước của các địa phương yên tâm thi hành công vụ, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhận xét.
Theo ông Châu, nhiều khả năng trong quý I-2021 Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020. Đồng thời sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị; chỉnh trang di dời nhà trên và ven kênh rạch, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, tăng cường hiệu quả công tác quản lý vận hành nhà chung cư…
“Việc tháo gỡ vướng mắc để vận hành trở lại các dự án đầu tư, dự án nhà ở có liên quan đến sử dụng quỹ đất do sắp xếp lại trụ sở cơ quan, di dời nhà xưởng ô nhiễm… sẽ tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo” - ông Châu nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng đánh giá các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 148… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách mới nhưng ông Hoàng cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường.
“Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường” - ông Hoàng góp ý thêm.•
Báo cáo của HoREA Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cả năm 2020 có 47 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, tăng đáng kể so với năm 2019. Trong năm, Sở Xây dựng cũng đã có ý kiến chuyển đến Sở KH&ĐT, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 61 dự án (giảm 52 dự án), giảm 46% so với năm 2019 nhưng không có dự án nào được Sở KH&ĐT đề xuất UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2020. |