Bệnh viện lúng túng trữ ‘mầm sống’ không người nhận

“Về mặt tâm linh, phôi thai là mầm sống không thể xử lý một cách bừa bãi. Về mặt pháp luật, nếu các cặp cha mẹ quay trở lại thắc mắc về phôi thai của mình, bệnh viện (BV) không biết lấy cơ sở nào để trả lời. Xét về khía cạnh đạo đức, nếu BV hủy phôi thì có vi phạm không?” - BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, nêu cái khó của BV khi xử lý các phôi thai từ lâu không có người nhận.

300 “mầm sống” bị bỏ quên

Hiện tại, đánh giá sơ bộ BV Từ Dũ TP.HCM trữ khoảng 300 phôi. Việc trữ các phôi này BV vẫn đang sử dụng các quy trình và phương tiện bảo quản thống nhất, không phân biệt phôi của ai. Điều đáng nói là tất cả phôi này đều không có cam kết.

Theo BS Nhi, đây là các phôi thai do các cặp vợ chồng gửi tại BV khi đã cấy phôi thai thành công và có con nhưng sau đó họ không quay trở lại để làm thủ tục. Mặt khác, do trước đây chưa có quy định ràng buộc chặt chẽ giữa BV và các cặp vợ chồng nên BV không có căn cứ, cơ sở để xử lý số phôi này.

Từ năm 2015 trở đi, Bộ Y tế đã có quy định các cặp vợ chồng khi thụ tinh trong ống nghiệm muốn lưu phôi tại BV sẽ có cam kết rõ ràng giữa người nhà và BV. Theo đó, Nghị định 10/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có nêu rõ: Cặp vợ chồng sau khi có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể tặng lại cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với sự đồng ý của cả vợ và chồng thông qua hợp đồng tặng, cho.

Cơ sở khám chữa bệnh chỉ được phép sử dụng phôi dư có hợp đồng tặng, cho khi có hợp đồng này để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi của cặp vợ chồng này được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công thì mới được sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì phôi còn lại phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở khám chữa bệnh làm nghiên cứu khoa học. Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh quyết định cho phép sử dụng phôi dư.

Ngoài ra, theo quy định người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi phải trả chi phí lưu giữ, bảo quản thông qua hợp đồng dân sự với cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi, trừ trường hợp tinh trùng, noãn, phôi được hiến. Trường hợp người gửi không đóng phí lưu giữ, bảo quản thì trong thời hạn sáu tháng, cơ sở khám chữa bệnh có quyền hủy tinh trùng hoặc noãn, phôi đã gửi.

Lưu trữ phôi thai tại BV Hùng Vương (TP.HCM). Ảnh: HOÀNG LAN

“Lưu trữ phôi rất tốn kém”

Tại BV Hùng Vương (TP.HCM), nơi phát triển kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ năm 2004 đến nay cũng diễn ra tình trạng vướng mắc khi xử lý số phôi thai chưa có ý kiến xử lý của các cặp vợ chồng.

“Có nhiều bệnh nhân tới làm thụ tinh trong ống nghiệm, sau khi chuyển phôi xong, có một số phôi người ta lưu trữ lại. Trước khi có nghị định từ năm 2015 trở về trước, do chưa có quy định nên hiện BV vẫn đang vướng việc trữ gần 300 phôi không liên lạc được người nhà đến nhận” - BS Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương, cho hay.

Cũng theo BS Lộc, số phôi trên lưu trữ trong một thời gian đã khá lâu. Mặc dù BV đã nhiều lần cố gắng liên lạc với bệnh nhân để hỏi ý kiến xử lý phôi nhưng rất khó, người điện thoại thì không liên lạc được, số khác lại chuyển nơi ở, thư gửi tới nhà đều bị trả lại…

“Lưu trữ phôi phải cung cấp khí nitơ lỏng thường xuyên, chi phí cho mỗi ống chứa phôi của bệnh nhân một năm tốn gần 2 triệu đồng. Nếu không giải quyết được số phôi này thì kinh phí sẽ bỏ ra từ năm này sang năm khác, cộng lại rất lớn. Ngoài ra, BV còn phải tốn thêm kinh phí mua bình trữ phôi mới vì bình cũ chưa giải phóng được” - BS Lộc nói thêm và mong có sự đồng thuận bằng văn bản từ các cấp có thẩm quyền về việc xử lý các trường hợp trên để BV dễ dàng xử lý.

Do ban đầu các BV không có hợp đồng chặt chẽ với các cặp vợ chồng lưu trữ phôi mới dẫn đến tình trạng như trên. Tuy nhiên, hiện luật đã có quy định ràng buộc chặt chẽ giữa các bên, đây có thể xem là căn cứ xử lý cho BV nếu các cặp vợ chồng không tiếp tục đóng phí lưu trữ phôi. Căn cứ theo quy định này, các BV nên thận trọng tiến hành liên hệ trực tiếp hoặc thông báo đến địa chỉ các cặp vợ chồng đăng ký lưu trữ phôi khoảng ba lần, nếu họ không có phản hồi thì hủy phôi như quy định.

Ông NGUYỄN HUY QUANGVụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.