Ngày 17-12, UBND TP có văn bản gửi Sở Y tế và Sở LĐ-TB&XH về việc hỗ trợ xử lý tình trạng dịch bệnh COVID-19 ở Trung tâm Bảo trợ xã hội TP (gọi tắt là trung tâm).
Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và thủ trưởng các cơ quan có liên quan trao đổi thống nhất các nội dung đề nghị của Sở LĐ-TB&XH, tham mưu trình UBND TP.
Lực lượng y tế phun xịt khử khuẩn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ. Ảnh: NMT
Chiều cùng ngày, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Minh Trí – Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết tình hình dịch tại trung tâm hiện đã ổn, F0 không tăng so với số liệu báo cáo ngày 10-12.
“Do làm tốt công tác bố trí lại, tổ chức điều trị tại chỗ nên qua hai lần sàng lọc thì có 318/421 F0 đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Sàng lọc tới đâu chúng tôi cho bố trí ở riêng ra tới đó. Trường hợp nặng thì tử vong thêm 6 người, đều là những người có bệnh nền nặng và được chuyển tầng 3 điều trị trước khi tử vong. Hiện đang nằm viện có 8 F0” – ông Trí thông tin.
Cũng theo ông Trí, Sở đã phối hợp với Sở Y tế trong việc điều trị và xử lý tình hình dịch ở Trung tâm. Cụ thể, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cấp thêm vật tư, thiết bị y tế cho trung tâm. Các bác sĩ bệnh viện tầng 3 thường xuyên hướng dẫn điều trị cho trung tâm. Trường hợp nặng chuyển các bệnh viện tầng 3 tiếp nhận.
Trước đó, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ có công văn gửi UBND TP về việc chỉ đạo hỗ trợ xử lý tình trạng dịch bệnh COVID-19 ở trung tâm. Đây là nơi nuôi dưỡng, quản lý các đối tượng tâm thần, lang thang, nhiễm HIV/AIDS...
Đến ngày 10-12, trung tâm có 421/604 đối tượng bị nhiễm COVID-19, trong đó có 270 F0 đã có kết quả PCR (số này có 9 người tử vong); test nhanh dương tính có 151 người. Số F0 đang nằm viện có 7 người. F1 có 181 đối tượng.
Cũng theo báo cáo, đã có 602/604 đối tượng ở trung tâm đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1, tiêm mũi 2 được 168 người; 2 trường hợp tiếp nhận mới chưa xác định được thông tin tiêm ngừa.
Cạnh đó, các đối tượng mắc COVID-19 tại trung tâm đều mắc nhiều bệnh nền nên có nguy cơ tử vong rất cao. Bện lý thần kinh chiếm 50,5%; Bệnh như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác chiếm 36%; Các bệnh còn lại như tim mạch, đái tháo đường, HIV/AIDS, ung thư. Trong số 421 F0 có 49 người suy kiệt nặng.
Số viên chức, người lao động mắc COVID-19 là 13 người, bao gồm 11 người đang cách ly điều trị tại nhà và hai người đã khỏi bệnh.
Trước tình hình trên, Sở kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Y tế hỗ trợ lực lượng chuyên môn, đặc biệt là bác sĩ; Hỗ trợ trang thiết bị y tế, thuốc điều trị; Thành lập các nhóm hội chẩn trực tuyến 24/24; Phân công một số bệnh viện cử ekip chuyên môn đến hỗ trợ Trung tâm trong việc điều trị cho F0; tiếp nhận điều tri F0 có diễn biến nặng, nguy kịch; tiếp nhận và tạo điều kiện trong việc xử lý thi thể đối tượng F0 tử vong…