Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm bệnh nhân 1342

Tối 1-12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương cho biết Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu cơ quan liên quan nghiên cứu và có hình thức xử lý nghiêm trường hợp tiếp viên hàng không là bệnh nhân 1342 vi phạm quy định về cách ly. 
Quận 1, 3, 6, 10, Phú Nhuận, Tân Bình có thể giãn cách xã hội
Thứ hai, Chủ tịch UBND TP yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, siêu thị, trường học, chợ truyền thống...
Thứ ba, các quận 1, 3, 6, 10, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú - nơi bệnh nhân 1347 có mặt làm việc, sinh hoạt trong thời gian vừa qua cần rà soát thật kỹ các cơ sở, có ca nghi ngờ cần yêu cầu đóng cửa, cách ly.
Thứ tư, các quận/huyện, đặc biệt quận 6, Tân Bình, Bình Tân chủ động đề xuất nếu cần cách ly khu vực, tinh thần không giãn cách xã hội trên diện rộng mà chỉ xem xét giãn cách với khu vực có nguy cơ cao tiềm ẩn.
Thứ năm, Chủ tịch TP yêu cầu thực hiện nghiêm tám bộ tiêu chí an toàn các ngành nghề. 
Thứ sáu, các cơ quan báo chí hết sức cân nhắc việc thông tin liên quan đến dịch bệnh, không nêu thông tin hoang mang làm mất sức chiến đấu, co cụm của các ngành trong dịp cuối năm. 
Thứ bảy, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý cách ly của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết VNA được duyệt thành lập khu cách ly. Các quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà đều quy định rất rõ người cách ly phải thực hiện ra sao. 
Theo đó, người cách ly phải ký cam kết thực hiện đúng theo quy định cách ly tại nhà và cách ly tập trung. Địa phương cũng có trách nhiệm giám sát sức khỏe của những người này.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, bổ sung: “Mỗi chuyến bay đều có khu cách ly riêng cho từng chuyến. Chẳng hạn, bệnh nhân 1325 và 1342 đều có khu cách ly riêng, tuy nhiên trong thời gian này bệnh nhân 1342 đã đi xuyên qua khu kia (tiếp xúc với bệnh nhân 1325 - PV), đây là sự lỏng lẻo trong quản lý... (bệnh nhân 1342 có khả năng cao bị nhiễm COVID-19 do tiếp xúc với bệnh nhân 1325 là tiếp viên của chuyến bay Rumani được cách ly riêng - PV). Bộ GTVT cần kiểm tra lại quy định vì sao các tiếp viên vẫn qua lại được” - ông Bỉnh nhận định.
Ngoài ra, ông Bỉnh cũng thông tin trong đoàn bay có bệnh nhân 1325, số người dương tính cũng khá cao, đoàn bay có 16 người thì có chín người dương tính. Bệnh nhân 1325 được phát hiện dương tính ngày 25-11, vào ngày thứ 14 sau khi cách ly tập trung. Sau khi phát hiện sự việc này, Sở Y tế TP đã quyết định đưa tất cả tiếp viên vào cách ly tập trung tại Củ Chi, khoanh vùng giải phóng toàn bộ khu cách ly để rà soát lại lỗ hổng.
“Chín tiếp viên trên một chuyến bay cùng dương tính xác suất rất lớn, có thể lây trong chuyến bay hoặc lây trong khu cách ly, có thể một vài người trong đoàn bay Rumani đã lây cho bệnh nhân 1342 vì nguyên chuyến bay của bệnh nhân 1342 không có ai dương tính” - ông Bỉnh nêu.
Liên quan đến bệnh nhân 1347, cơ quan y tế đã khoanh vùng và xét nghiệm toàn bộ cho 451 người, trong đó có hai mẫu dương tính là ca bệnh 1349 (bé trai 14 tháng tuổi) và 1350 (cô gái 28 tuổi, là học viên của bệnh nhân 1347). Tất cả mẫu còn lại âm tính. Gia đình của bé trai và chín người tiếp xúc với ca bệnh 1350 cũng được xét nghiệm, cho kết quả âm tính. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục truy vết các ca F1, F2 của ba ca bệnh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 1-12
về tình hình COVID-19. Ảnh: HL

Mở rộng xét nghiệm
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng thông tin thêm, sắp tới Sở Y tế TP sẽ mở rộng mức độ xét nghiệm, ngoài tập trung xét nghiệm nhóm tiếp xúc với bệnh nhân, các đối tượng như bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp, đặc biệt bệnh mạn tính, bệnh nền cũng sẽ được xét nghiệm. Ngoài ra, nhân viên y tế, người buôn bán tại các chợ đầu mối cũng sẽ được xét nghiệm ngẫu nhiên. Việc làm này nhằm khảo sát, đánh giá nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng, từ đó có cách chủ động ứng phó với dịch. 
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc COVID-19 trong năm tuần trở lại đây có dấu hiệu gia tăng. Trên thế giới, tình hình dịch cũng đang diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 ở Nhật hiện tại còn cao hơn cả vào tháng 3, tháng 4. TP.HCM và cả nước đã trải qua nhiều ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nên dần có sự lơ là, chủ quan. “Đâu đó vẫn có sự chủ quan, lơ là của các bộ phận đơn vị, nguy cơ cộng với chủ quan sẽ càng làm tăng nguy cơ dịch lây lan nên cần tăng cường tính chủ động phòng dịch” - ông Dũng nói.

Trong ngày 1-12, hai trường tiểu học Võ Văn Tần, Nguyễn Huệ ở quận 6 và một lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã cho học sinh và giáo viên nghỉ học để phòng chống dịch. Ngoài ra, học viên, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (cơ sở Tân Phong, quận 7, TP.HCM) sẽ tạm dừng học tập trung từ ngày 2 đến 6-12. Tất cả trường hợp này đều có liên quan đến bệnh nhân 1347. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm